Ảnh minh họa/internet
"Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học được tôn trọng. Tuy nhiên, Hội đồng tuyển sinh trường sẽ chỉ được gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đáp ứng đủ các điều kiện tuyển sinh theo quy định. VD: có giấy chứng nhận đã tốt nghiệp THPT, tránh trường hợp thí sinh chưa tốt nghiệp THPT đã có giấy thông báo trúng tuyển" - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy. |
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), về cơ bản Quy chế năm nay không có nhiều thay đổi so với các năm trước, với một số điểm chính như:
Năm nay là Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong bối cảnh Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực (từ tháng 7-2020), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) có hiệu lực từ tháng 7-2019.
Theo Luật thì Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khoẻ; đồng thời không tuyển sinh các trình độ trung cấp sư phạm, trình độ cao đẳng, chỉ tuyển ngành Giáo dục Mầm non.
Tất cả các trường phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh cho các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển (đối với tuyển sinh chính quy xét tuyển đợt 1 năm 2020).
Quy chế cũng bổ sung quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo chất lượng (ĐBCL) đối với các trường tổ chức kỳ thi, bài thi tuyển sinh riêng…
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết: Theo số liệu của Vụ GDĐH thì trong thời gian qua, khi cho phép thí sinh Đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn nguyện vọng, hầu hết các em trúng tuyển và nhập học với 3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1.
Số thí sinh trúng tuyển trong những đợt xét tuyển lần 3, 4, 5 chiếm tỷ lệ rất ít. Vì thế, dù có những thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhưng nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 thì sẽ không sử dụng tới nguyện vọng thứ 3, 4 nữa.
Theo đó, các em vẫn cần phải xác định được nguyện vọng 1, 2 là nguyện vọng chính, quan trọng nhất, phù hợp với năng lực và mong muốn của mình.
“Nhân câu chuyện này, tôi cũng cho rằng, các em đã có 3 năm THPT để suy nghĩ lựa chọn và tập trung học tập, ôn thi cho ngành nghề phù hợp với khả năng, sở trường, thế mạnh, phù hợp với các điều kiện về kinh tế, sức khỏe, gia đình… của mình.
Vì thế, chọn ngành, chọn trường… không nên là câu chuyện của thời gian cuối, đây là thời điểm các em cần tập trung cao độ cho việc ôn thi thật hiệu quả để đạt mục tiêu trúng tuyển vào trường ĐH mơ ước của mình” – PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Trước băn khoăn của một số người: Quy chế tuyển sinh 2020 liệu có làm khó các trường đại học muốn tự tổ chức thi riêng? PGS.TS Nguyễn Thu Thủy trao đổi: Luật Giáo dục đại học cho phép các cơ sở GDĐH có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tự chủ tuyển sinh.
Tuy nhiên, việc Quy chế tuyển sinh 2020 bổ sung các điều kiện quy định với những trường muốn tổ chức tuyển sinh riêng, nhằm tăng cường công cụ quản lý nhà nước để bảo đảm các kỳ thi riêng diễn ra nghiêm túc, minh bạch, đúng quy định, và đảm bảo chất lượng.
Để tổ chức một kỳ thi tuyển sinh, các trường đại học phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quy trình, quy chế, đề án tổ chức, về nhân sự (bộ phận chuyên trách khảo thí có trình độ, kinh nghiệm), về cơ sở hạ tầng (phòng ốc, máy tính, phần mềm…), đặc biệt là cần chuẩn bị được ngân hàng đề thi… đó là những điều kiện căn bản, tối thiểu để tổ chức tuyển sinh thành công, chất lượng.
Đây cũng là những quy định cần thiết khi tổ chức một kỳ thi để đảm bảo quyền lợi của các thí sinh, đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo các trường đánh giá được năng lực của người học để chuẩn bị cho bậc học đại học.
|
Theo MINH PHONG (Báo Giáo dục & Thời đại)