Canada tích cực ứng phó biến đổi khí hậu

09/11/2021 - 11:42

Trong một báo cáo mới đây của tạp chí Lancet, các nhà khoa học ghi nhận sự tích cực của Chính phủ Canada trong ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo Canada cần hành động nhiều hơn, bởi với tốc độ trung bình khử carbon được quan sát từ năm 2015 đến năm 2019, Canada sẽ cần hơn 188 năm để loại bỏ hoàn toàn carbon trong hệ thống năng lượng của đất nước.

Báo cáo do Lancet công bố đánh giá rằng, tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người ngày càng trở nên tồi tệ cả về thể chất và tinh thần do nắng nóng khắc nghiệt, sự lây lan các bệnh truyền nhiễm, giảm năng suất cây trồng và mất an ninh lương thực. Đầu tháng 7, giới chức tỉnh British Columbia của Canada thông báo, hơn 700 người chết trong đợt nắng nóng kỷ lục ở bang này. “Vòm nhiệt”, hiện tượng thời tiết giữ nhiệt độ lại ở một khu vực, ngăn hệ thống thời tiết khác di chuyển đến, được cho là nguyên nhân dẫn tới cái chết của hàng trăm người, chủ yếu là người cao tuổi sống một mình ở Canada. Đây là một thí dụ cụ thể nhất của tác động khôn lường của biến đổi khí hậu. 

Cháy rừng tại tỉnh British Columbia. Ảnh REUTERS

Năm 2020, nắng nóng khiến người dân Canada mất gần 22 triệu giờ lao động, tăng 151% so với mức trung bình trong giai đoạn 1990 - 1994. Cháy rừng ngày càng trở thành một mối đe dọa lớn đối với người dân Canada. Các trận cháy rừng vào mùa hè gia tăng lo ngại về chất lượng không khí và buộc các cộng đồng thổ dân phải sơ tán.
 
Nông dân ở Canada cũng cảm thấy tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực Prairies ở miền tây, nơi hạn hán đặc biệt khốc liệt trong năm 2021. Hạn hán và nhiệt độ nóng lên làm giảm sản lượng của các loại cây trồng chủ lực trên khắp thế giới, có thể dẫn tới mất an ninh lương thực. Năm 2020, một số loại cây trồng ở Canada ghi nhận mức sản lượng thấp hơn mức trung bình.

Báo cáo của Lancet cũng đánh giá, Canada là quốc gia có khoảng cách khá lớn giữa mục tiêu và chiến lược cụ thể nhằm giảm lượng carbon. Trong Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7), Canada và Mỹ là hai nước tăng lượng khí thải kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015.

Lượng khí thải của Canada tăng chủ yếu do hoạt động sản xuất dầu khí. Canada là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới và đặt mục tiêu đến năm 2050 đưa lượng khí thải carbon ròng về mức 0. Canada đặt ra mục tiêu cung cấp sự hỗ trợ cho ít nhất hai trung tâm thu giữ khí carbon và cô lập ít nhất 15 triệu tấn carbon mỗi năm cho đến năm 2030.

Các nhà khoa học cảnh báo, những tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, nhất là nhóm dễ bị tổn thương là người già, trẻ nhỏ... sẽ trở nên tồi tệ hơn, nếu các nhà lãnh đạo không thực hiện cam kết với các mục tiêu tham vọng hơn tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Những hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có tiền lệ đang hối thúc giới chức Canada có những bước đi khẩn cấp hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo TRUNG HÒA (Báo Nhân Dân)