Cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 170 ổ dịch ở 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong đó huyện miền núi Khánh Sơn là địa phương có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết Dengue/100.000 dân cao nhất so với các địa phương khác của tỉnh Khánh Hòa.
So với cùng kỳ năm 2023, ngoại trừ huyện Khánh Vĩnh và Cam Lâm có số người mắc thấp hơn, các địa phương còn lại đều có số ca mắc sốt xuất huyết tăng hoặc tương đương. Trong đó, huyện Khánh Sơn có số ca mắc tăng cao nhất xấp xỉ gấp 10 lần; huyện Diên Khánh tăng 60%, thành phố Cam Ranh tăng 55%. Sốt xuất huyết Dengue tăng hơn 10%.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, địa phương có 1 ca tử vong là nam giới, 67 tuổi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, sốt nóng lạnh… tự mua thuốc điều trị tại nhà và không rõ loại thuốc. Khi chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa thuộc trường hợp nặng. Bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cảnh báo: Ngay khi có biểu hiện của sốt xuất huyết, người dân không tự ý dùng thuốc, nên đến các cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị sớm nhất, tránh bệnh trở nặng mới nhập viện.
Ông Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Khánh Hòa thông tin: Thời tiết những tháng cuối năm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của đàn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Mặt khác, thời tiết mưa đã làm gián đoạn hoạt động xử lý dịch của ngành Y tế, không thể tổ chức phun hóa chất, diệt bọ gậy trong điều kiện mưa gió.
Cùng với đó, một số địa phương, lãnh đạo, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác diệt bọ gậy (tập trung phun hóa chất), không giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc triển khai đợt diệt bọ gậy. Do đó, các đợt diệt bọ gậy chỉ mang tính chất phát động phong trào là chính. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cảnh báo số ca mắc mắc những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gia tăng nếu các địa phương không quyết liệt triển khai các biện pháp xử lý dịch kịp thời hiệu quả.
Theo TTXVN