Cảnh giác trước tin giả, sai sự thật

10/09/2021 - 06:07

 - Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong cả nước. Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc, tin giả phát tán trên mạng xã hội làm giảm niềm tin của người dân vào công tác chống dịch, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội… Nếu không xử lý tốt việc phát tán tin giả, tin xấu độc, sẽ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của địa phương, đất nước.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine phòng COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ Vaccine phòng COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại “điểm nóng” TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; xuyên tạc về biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và địa phương...

Đặc biệt, xuất hiện nhiều thông tin xấu, độc cùng một số video clip trên không gian mạng. Điển hình ngày 6-8, nhiều tài khoản Facebook cá nhân phát tán nội dung thông tin được cho là phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch COVID-19: “Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ: xem tất cả bạn bè, người thân, người ta phải tiếp xúc như là người nhiễm dịch. Có như thế chúng ta mới quyết liệt chống dịch được. Chúng ta đừng sợ mất lòng nhau! Không ngồi gần, không ôm ấp, không bắt tay… ngay cả với những người yêu thương nhất…”. Sau đó, thông tin này đã được Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) - Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định là giả mạo.

Tin giả gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dân chúng  

Ngày 26-8, tài khoản Facebook “Na Na” đăng dòng trạng thái “2 tháng vẫn chưa có hỗ trợ”; kèm theo hình ảnh ghi nội dung “Chính phủ ơi! Nhà nước ơi! Hãy trợ cấp. Phát trực tiếp cho dân nghèo. “Tổ trưởng” không đến tay người dân đâu!” Nội dung đăng tải và bình luận trên của chủ tài khoản (tên Q.) thu hút nhiều like (thích), (chia sẻ) share, tác động tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ). Tại cơ quan công an, Q. thừa nhận đã bịa chuyện sai sự thật và tự gỡ bỏ nội dung đăng tải.

Không chỉ dừng lại ở mục đích câu (xem) view, câu like, lừa đảo, trục lợi… tin giả còn là chiêu bài để các thế lực thù địch tung ra nhằm chống phá Đảng, nhà nước. Trong khi TP. Hồ Chí Minh và cả nước đang ra sức chống dịch COVID-19 thì đối tượng xấu đã sử dụng thông tin giả hoặc thổi phồng sự thật, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dân chúng. Đăng tải các thông tin xuyên tạc, kích động dư luận, chống phá chính quyền, như: “COVID 19: Chống dịch kiểu Việt Nam - chỉ thương cho người dân”, “Việt Nam: Cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu”… tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ…

Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 xác định: một trong những nhiệm vụ đặt ra là phải tăng cường phát hiện, xử lý triệt để vấn nạn tin giả. Ngày 23-7-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn 2765 gửi các bộ, ngành, địa phương, đề nghị tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 trên mạng.

Theo đó, các địa phương, đơn vị chủ động triển khai thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ. Tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch. Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn… Đồng thời, kịp thời phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá.   

Tin giả, hậu quả thật. Để phòng chống nạn tin giả, bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành trong quản lý, rà soát, ngăn chặn và loại bỏ, thiết nghĩ mỗi người dân phải nâng cao nhận thức, ý thức khi tham gia mạng xã hội, tuân thủ nghiêm quy định, quy tắc chung. Không chia sẻ, lan tỏa thông tin chưa được kiểm chứng, xác thực. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng tình hình chính trị - xã hội và công tác phòng, chống dịch của địa phương, đất nước.

H.H