Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo mới

15/07/2021 - 05:13

 - Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Trong đó, việc sử dụng công nghệ cao để gây án, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) và đời sống nhân dân, đặc biệt là hình thức giả danh người có chức vụ, quyền hạn (công an, nhân viên chăm sóc khách hàng…) gọi điện thoại đe dọa người nghe (nạn nhân) để thực hiện theo các yêu cầu nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, quý I-2021, toàn quốc xảy ra 568 vụ lừa đảo, tăng 143 vụ (tăng 34%); liên quan đến 598 đối tượng, tăng 134 đối tượng (tăng 29%) so cùng kỳ năm 2020, chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, phổ biến có các thủ đoạn, như: mua bán, chuyển nhượng sinh vật cảnh (chim, cá, cây cảnh…) độc lạ, đột biến; thông qua giao dịch, chuyển nhượng kim khí, đá quý, xương động vật quý (kim cương, vàng bạc, đá thiên thạch, sừng tê giác, ngà voi, cao hổ, xương hổ…). Các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nạn nhân, dàn cảnh để tạo lòng tin rồi lừa nạn nhân chuyển tiền đặt cọc, chi phí phát sinh để chiếm đoạt; thông qua hoạt động đầu tư kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.

Các đối tượng lợi dụng nhu cầu của người dân bằng cách xây dựng các website tạo thành các sàn giao dịch tài chính, sàn thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế (Bigbuy24h, Binomo, Coolcat, Forex…) để kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp, có hưởng hoa hồng giới thiệu, hưởng lợi trên số tiền đầu tư dựa trên chính sách khuyến mãi, chiết khấu… để người đầu tư đóng tiền mặt hoặc chuyển khoản để quy đổi ra tiền “ảo” trong từng hệ thống. Khi người tham gia đạt một số lượng nhất định, chúng sẽ cho “sập sàn” hoặc cho máy chạy tự động giao dịch để chiếm đoạt tiền nộp vào hệ thống của người đầu tư.

Ngoài ra, thông qua môi giới, đầu tư, mua bán động sản, đối tượng lừa đảo tạo ra các đợt số bất động sản ảo, thu hút người đầu tư, sau đó lừa chiếm đoạt tiền đặt cọc hay một lô đất bán cho nhiều người hoặc làm giá, đánh tráo sổ đỏ; giả danh ngân hành thanh lý nhà đất; mạo danh chính quyền, chủ đầu tư uy tín để lập các dự án “ma” lừa bán…

Tang vật thu giữ của một đối tượng lừa đảo qua mạng bị Công an tỉnh phối hợp bắt giữ

Riêng địa bàn tỉnh hiện nay, nổi lên việc giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty điện lực. Với thủ đoạn gọi điện thoại cho nạn nhân (khách hàng) dùng những lời đe dọa và cho biết, nạn nhân đã có hành vi trộm điện năng, rồi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, ngày 14-6-2021, chị T.T.S (ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bất ngờ nhận được cuộc gọi điện thoại từ một người lạ tự giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cho biết, chị S. có đăng ký một công-tơ điện tại TP. Hồ Chí Minh và có hành vi chỉnh sửa làm thất thoát 22.000 KWh điện năng, yêu cầu phải nộp phạt 60 triệu đồng. Sau đó, kẻ lừa đảo nối máy đến số điện thoại của công an một quận ở TP. Hồ Chí Minh (giả mạo Công an quận) cho chị S. biết, có liên quan đến vụ án rửa tiền và hiện tại công an đã bắt được một đối tượng, đồng thời đã có lệnh giam đối với chị. Theo đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị S. nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của mình để công an điều tra và phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin này, nếu không sẽ thực hiện lệnh bắt giam.

Bất ngờ với những lời lẽ hăm dọa, lo sợ nên chiều cùng ngày, chị S. đã đến ngân hàng nộp 390 triệu đồng tiền mặt vào tài khoản của mình theo yêu cầu của đối tượng giả mạo. Sau khi gửi tiền vào tài khoản, đối tượng tiếp tục trao đổi và gửi đường link lạ qua ứng dụng mạng xã hội Zalo để chị S. tải phần mềm do các đối tượng lừa đảo thiết lập có logo Bộ Công an cho nạn nhân tin tưởng.

Khi chị S. cài đặt xong, đối tượng hướng dẫn chị S. đăng nhập thông tin cá nhân (tên, mật khẩu, số chứng minh nhân dân…) vào phần mềm. Sáng hôm sau, nghi ngờ nên chị S. vào ứng dụng của ngân hàng để kiểm tra tiền trong tài khoản thì không vào được (do đối tượng lừa đảo đã truy cập và đổi mật khẩu). Nhanh chóng đến ngân hàng để làm thủ tục kiểm tra thì số tiền trên đã “bốc hơi” khỏi tài khoản của mình, chị S. đến cơ quan công an trình báo nhưng đã muộn.

Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) xác định, đây là một trong những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, tiến hành thông báo đến các cơ quan truyền thông và công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh nắm, kịp thời tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến quần chúng nhân dân nhằm giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tố giác tội phạm nếu như bất ngờ nhận được những thông tin, nội dung tương tự.

Nếu phát hiện trường hợp như trên, người dân tuyệt đối không làm theo sự hướng dẫn của đối tượng, hay nhấp vào những đường link lạ hoặc tải và đăng nhập vào những phần mềm ứng dụng không rõ nguồn gốc, chú ý không cung cấp bất kỳ thông tin nào có liên quan đến cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình cho người lạ với bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, người bị hại cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để phối hợp xử lý nếu phát hiện những vấn đề bất thường.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG