Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với nhiều thủ đoạn khác nhau. Các đối tượng xấu thường làm quen kết bạn qua mạng xã hội để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hoặc giả mạo người thân, bạn bè trên Facebook, Zalo… nhờ chuyển tiền hộ, mua thẻ điện thoại.
Thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp số OTP khách hàng; đánh cắp thông tin bảo mật, nhằm lấy hết tiền trong tài khoản của khách hàng. Ngoài ra, nhiều đối tượng còn dàn cảnh đóng giả các cơ quan nhà nước, như: Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, hải quan... điện thoại uy hiếp nạn nhân vào một vụ việc cụ thể, đe dọa, buộc nạn nhân phải chuyển tiền theo yêu cầu.
Những tin nhắn lừa đảo
Chị N.T.T.T (ngụ TP. Long Xuyên) cho biết: “Mới đây, đang nghỉ trưa, tôi nhận cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia tự xưng là cảnh sát giao thông, nói tôi điều khiển xe gây tai nạn, báo mức phạt 29 triệu đồng. Lúc đầu nghe cũng sợ nhưng tôi bình tĩnh và hỏi ngược lại: Tôi gây tai nạn ở đâu? Đối tượng nói tôi gây tai nạn ở Đà Nẵng. Khi đó, biết là lừa đảo nên tôi hỏi ngược lại vài câu thì đối tượng cúp máy. Mọi người nên cẩn thận, đừng hoang mang trước những cuộc gọi như thế, cần bình tĩnh hỏi rõ lại, để không bị lừa gạt”.
Các đối tượng lừa đảo còn sử dụng điện thoại bàn, sim không chính chủ giả danh nhân viên, cán bộ của trung tâm mua sắm, đài truyền hình gọi vào các số điện thoại của người dân để thông báo trúng thưởng trong một chương trình do đối tượng đặt ra.
Phần thưởng đối tượng đưa ra là tài sản có giá trị cao, như: Ti-vi, tủ lạnh, máy massage, xe gắn máy… Nếu người nghe tin tưởng thì đối tượng sẽ thông báo về thủ tục nhận thưởng. Để đủ điều kiện được nhận thưởng, người dân phải mua 1 sản phẩm (có giá thành cao hơn giá thị trường) hoặc mua thẻ cào có giá trị cao cung cấp mã thẻ cho đối tượng để chiếm đoạt.
Các đối tượng lừa đảo còn lập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…) giống hoặc chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản của người sử dụng và nhắn tin, lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền cho các đối tượng rồi chiếm đoạt. Bên cạnh đó, còn giới thiệu, mời chào, lôi kéo người dân tham gia đầu tư, kinh doanh các loại tiền ảo, tiền điện tử với những hứa hẹn về lợi nhuận, mức hoa hồng hấp dẫn, lợi nhuận cao để chiếm đoạt tài sản…
Chị L.T.K (ngụ TP. Long Xuyên) cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng, nick Zalo của đứa em ruột nhắn tin nhờ chuyển khoảng 2 triệu đồng để xử lý công việc gấp. Cứ nghĩ là em mình cần tiền thiệt nên tôi không ngần ngại và chuyển tiền vào số tài khoản gửi kèm, đến khi hỏi lại thì mới tá hỏa là tài khoản Zalo của em mình bị hack. Rút kinh nghiệm từ vụ đó, giờ trước khi chuyển tiền cho ai, tôi cũng gọi điện xác nhận”.
Người dân cần bình tĩnh trước những thủ đoạn lừa đảo trên mạng
Qua phân tích một số vụ việc cho thấy, những thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, bọn chúng thường hoạt động có tổ chức và lên kế hoạch dàn dựng sát với thực tế, đánh trúng vào tâm lý của nạn nhân. Trước thực tế đó, ngành chức năng kêu gọi người dân cần cảnh giác, không nên nghe theo các thông tin chưa được kiểm chứng hoặc giao tiếp, làm quen với người lạ qua mạng xã hội (đặc biệt là các tài khoản có tên, nguồn gốc từ nước ngoài).
Không đứng tên, chuyển giao tài khoản, nhận tiền, quà của những người không quen biết mà chưa xác minh được nguồn gốc. Khi có tài khoản của người quen trên Facebook, Zalo nhờ chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại thì cần xác nhận trực tiếp với người quen trước khi thực hiện.
Đặc biệt, không được cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN internet banking và mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Bởi vì mã OTP chỉ sử dụng cho mục đích xác nhận khi thanh toán, nếu người dân nhận được yêu cầu đăng nhập để nhận tiền mà đòi hỏi phải cung cấp mã OTP đó đều là giả mạo.
Mọi thắc mắc, nghi ngờ về thông tin tài khoản cá nhân của mình, người dân cần trực tiếp đến các ngân hàng để được kiểm tra, giải đáp. Người dân không được gõ tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN internet banking, mã OTP, số tài khoản... của mình vào trang web hoặc liên kết khác với trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng. Mặt khác, khi tài khoản của người dân nhận tiền từ nước ngoài gửi về, chủ tài khoản phải trực tiếp đến ngân hàng để nhận, chứ không thể nhận tiền qua việc truy cập vào bất kỳ đường link hay trang web nào khác.
LÊ HOÀNG