Ảnh minh họa. (Nguồn: russia-briefing.com)
Sau giai đoạn khởi động chuyển đổi số quốc gia thì năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025 được giới chuyên gia nhận định là thời điểm để tăng tốc với những hành động, giải pháp triển khai cụ thể đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương.
Với 3 trụ cột chính trong chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng được một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Trong báo cáo mới đây tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Trên cơ sở đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Thể chế đi trước một bước
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại.
“Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình,” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. (Nguồn: TTXVN)
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước với các mục tiêu như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%...
Đối với phát triển xã hội số, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 80%; Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng… Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn.
Xu thế tất yếu
Ông Phạm Thế Trường, nguyên Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho biết năm 2020 được coi như năm bản lề lớn của Việt Nam trong chuyển đổi số và đây là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, đặc biệt là câu chuyện COVID-19 càng khiến thúc đẩy tiến trình này diễn ra nhanh hơn.
Theo một nghiên cứu của Microsoft và Trung tâm Dữ liệu Internet (IDC) thực hiện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trước và sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, 74% lãnh đạo kinh doanh cho rằng đổi mới là điều bắt buộc và khả năng đổi mới đóng vai trò quan trọng đối với hiệu suất và khả năng chống chịu của doanh nghiệp.
Hầu hết, 98% các doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới, đều tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường. Thực tế cho thấy họ là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng.
Không chỉ có các doanh nhiệp mà các bộ, ngành cũng đã nhanh chóng bắt tay vào cuộc.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong 2 quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức các hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại trực tuyến trong bối cảnh COVID-19.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã tiến hành các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng số vào xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tiếp, trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu có hiệu quả ngay tại “nhà.”
Cụ thể, trong năm 2020 Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp đã tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Kết quả là trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục.
Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí xúc tiến thương mại mà vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài ở khắp các thị trường; đã huy động toàn bộ hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc, góp phần hỗ trợ đắc lực cho các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa trong hoàn cảnh không thể thực hiện được các hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức trực tiếp.
Đối với ngành ngân hàng, tiến trình chuyển đổi số cũng diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, so với cách đây 5 năm, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet tăng gấp 3 lần; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 10 lần. Hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công cũng được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu thu, chi của người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời...
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ thiết lập hoạt động thanh toán bán lẻ hiện đại, kết nối với nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; trong đó, thanh toán dịch vụ công được đặc biệt quan tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này sẽ giúp quá trình chuyển đổi số của từng ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Với ngành tài chính, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã hoàn thành cung cấp 977 dịch vụ công trực tuyến; trong đó có 583 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 60%), hoàn thành tích hợp 296/583 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia, vượt 21% mục tiêu Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao.
Đối với việc kết nối, chia sẻ và cung cấp các chỉ tiêu của Bộ Tài chính phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện kết nối chia sẻ các thông tin về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/2/2020.
Quyết định 293 ban hành Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội được sử dụng phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện cung cấp các chỉ tiêu quan trọng trong lĩnh vực tài chính-ngân sách như: thông tin về cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước, số thu xuất nhập khẩu, số thu theo sắc thuế, trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu, thông tin về thị trường chứng khoán, nợ công, giá cả hàng hóa thị trường, đầu tư công…
Về định hướng kế hoạch trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính phấn đấu sẽ hoàn thành xây dựng hệ sinh thái tài chính số hiện đại với những nền tảng và cơ chế kết nối, chia sẻ thông minh tạo ra những giá trị gia tăng thông minh để phát triển kinh tế số, đảm bảo cơ chế chia sẻ dữ liệu công khai, minh bạch.
Về cơ chế chính sách, Bộ Tài chính sẽ thực hiện sửa đổi các văn bản cơ chế chính sách đảm bảo giảm thiểu các quy trình, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số.
Thời cơ với doanh nghiệp công nghệ số
Năm 2020 chứng kiến sự phát triển rất nhanh của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có khoảng 58.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, tạo ra hơn 1 triệu việc làm. Riêng năm 2020 đã có tới 13.000 doanh nghiệp công nghệ số mới ra đời.
Không chỉ gia tăng về số lượng, các doanh nghiệp công nghệ Việt cũng đang ngày càng cho thấy tầm ảnh hưởng của mình lên đời sống kinh tế-xã hội.
Ảnh minh họa.
Nanoco là một công ty cung cấp các thiết bị điện hiện đại, có trụ sở tại Việt Nam.
Khởi đầu là nhà phân phối các sản phẩm của Panasonic, hiện nay công ty đã phân phối cả các nhãn hiệu riêng của Việt Nam, Lào và Campuchia. Nanoco đã đầu tư rất nhiều vào mạng lưới hậu cần với khoảng 16 kho hàng cùng gần 60 xe tải và xe container.
Khi công ty mở rộng kinh doanh và các hoạt động vận hành ngày càng phức tạp, thì những hạn chế của giải pháp lưu trữ tại chỗ mà Nanoco đang triển khai đã lộ ra.
Do đó, công ty đã phối hợp với Microsoft Việt Nam, Tập đoàn FPT, đơn vị tích hợp hệ thống để giải quyết và quản lý các chương trình xúc tiến thương mại.
Ông Lương Lực Văn, Tổng Giám đốc Nanoco, cho biết: “Khi quyết định chuyển sang nền tảng lưu trữ đám mây, chúng tôi đã có một sự thay đổi lớn trong cách vận hành và quản lý doanh nghiệp. Tất cả thông tin chúng tôi cần được tập trung tại một nơi và rất dễ dàng để tiếp cận chỉ bằng một cú nhấp chuột. Quy trình này trước đây tốn hai đến ba ngày, giờ đâychỉ còn trong 20 giây.”
Tương tự, với Base.vn, từ một start-up chỉ có 5 người vào năm 2016, đến nay đã nắm trong tay hàng loạt nền tảng mở với 50 ứng dụng chuyên biệt, giúp số hóa quy trình, nghiệp vụ cho rất nhiều công ty, tổ chức tại Việt Nam.
Đáng chú ý, một nửa trong số các doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu được bình chọn tại giải thưởng top 100 doanh nghiệp tiêu biểu ASEAN là khách hàng của công ty này.
Ông Phạm Thế Trường, nguyên Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, đúc kết: “Chính sự kết hợp giữa con người và công nghệ bên trong một tổ chức sẽ tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ chỉ là bước đầu để một tổ chức chuyển đổi thành một doanh nghiệp số. Để thành công, doanh nghiệp cần có cả tầm nhìn, chiến lược, văn hóa tổ chức và tiềm năng khác biệt. Những doanh nghiệp hội tụ đủ 4 yếu tố này sẽ đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh khác biệt trong thời đại mới.”.
Theo Vietnamplus