Đến thăm vườn cam và quýt đường của ông Phước An, chúng tôi càng thêm thán phục ý chí và sự cần cù của bà con nông dân. Một năm trước, khi chúng tôi đến thăm, vườn cam bắt đầu cho trái chiến. Khi đó, ông An mới chuyển sang làm vườn, không biết hiệu quả sẽ như thế nào? Nói là vậy, nhưng trong đôi mắt của lão nông tri điền ấy vẫn sáng lên niềm tin mãnh liệt dành cho vườn cây của mình.
“Trước đây, tôi sản xuất lúa trên diện tích 4,5ha, thu nhập 3 vụ lúa hàng năm đạt hiệu quả chưa cao, lợi nhuận bấp bênh. Năm 2016, được sự khuyến khích của Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông xã, tôi mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ lúa sang trồng cam sành, quýt đường. Ba năm qua, tôi chuyển đổi hết 4,5ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng 2 giống cây ăn trái này. Cam, quýt đường đến năm thứ 3 bắt đầu cho trái, kết quả ban đầu rất khả quan. Đợt thu hoạch đầu tiên, tôi thu được khoảng 100 tấn trái. Giá cam, quýt đường được thương lái thu mua tại vườn 30.000 đồng/kg, tôi thu về khoảng 3 tỷ đồng, trừ chi phí, tôi còn lời hơn 1 tỷ đồng. Đó là tính giá bình quân, còn thực chất giá cam, quýt đường luôn ở mức cao trong những tháng mùa khô (khoảng 42.000 - 43.000 đồng/kg), thấp nhất khoảng 25.000 đồng/kg” - ông An phấn khởi.
Vườn cam, quýt ứng dụng công nghệ phun tưới tự động
Xã Bình Thành hiện có diện tích trồng hoa màu và cây ăn trái khoảng 70ha, gồm: cam, quýt, dưa lưới, dưa leo, xoài, mãng cầu xiêm… Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thành Lê Văn Hải cho biết, hàng tháng ngành nông nghiệp đều tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ như: công nghệ tưới nhỏ giọt, cách chăm sóc đất và hướng dẫn sử dụng phân, thuốc có hiệu quả cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thường xuyên đến thăm vườn để kịp thời phát hiện những biểu hiện lạ trên vườn cam, quýt để hỗ trợ thêm về kỹ thuật trồng, phòng bệnh cho vườn cây của ông An. Ngoài ra, ông An còn nuôi 200 con gà thả vườn, 1.500 con cá tai tượng, 1.000 con cá rô phi xen giữa các liếp trong vườn nhằm tăng thêm thu nhập. Hiện nay, có thể xem đây là mô hình chuyển đổi cây ăn trái hiệu quả trên địa bàn xã, mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân.
Theo gia đình ông An, cam sành có thể trồng trên nhiều loại đất, nhiều kiểu khí hậu khác nhau. Lưu ý là cần cung cấp đủ nước cho cây trong mùa khô, lúc trái đang lớn và lúc trái sắp chín. Tương tự các loại cây có múi khác như: bưởi, chanh, trái cam sành, quýt đường… thường gặp các loại sâu bệnh như: sâu vẽ bùa, sâu đục thân… Vì vậy, người trồng cần thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện và xử lý. Cây vào độ thu hoạch kéo dài từ 10-15 ngày. Gia đình phải thuê thêm nhân công để thu hoạch kịp tiến độ, việc này góp phần tạo thêm thu nhập thời vụ cho lao động địa phương. Trung bình, 1 lao động được trả công khoảng 250.000 đồng/ngày. Vào vụ thu hoạch, gia đình ông An mướn thêm khoảng 12 lao động phục vụ việc thu hoạch trái. Hiện, vườn cây của ông An đang áp dụng công nghệ phun tưới tự động theo công nghệ Israel; việc tưới phun này vừa tiết kiệm nhân công, vừa tiết kiệm nước mà hiệu quả cũng được nâng lên. Bằng việc sử dụng hệ thống tưới là có thể tưới cho cả một diện tích 4,5ha, bất kể ngày hay đêm và có thể điều chỉnh mức độ tưới theo ý muốn, chỉ bằng một vài thao tác nhẹ nhàng.
Dù hiệu quả bước đầu là vậy nhưng ông Lê Phước An vẫn rất khiêm tốn cho rằng, thời gian vẫn còn quá ngắn để đánh giá hiệu quả kinh tế từ mô hình đang thực hiện. “Trong xu thế hội nhập kinh tế, tôi còn nhiều việc phải thực hiện cho mô hình sản xuất của mình. Tôi mong ngành chức năng ủng hộ và tạo điều kiện để cây cam sành và quýt đường giữ vững và nâng cao vị thế sản phẩm trong tiến trình đổi mới. Tôi dự định sẽ trồng thêm 5ha cam, quýt trong thời gian tới. Ngoài ra, còn vận động thêm người thân và nhân dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển” - ông An chia sẻ.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN