Sản xuất nông nghiệp ở huyện Châu Thành

16/06/2025 - 05:00

 - Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện Châu Thành tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong đó, chú trọng hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT), công nghệ tiên tiến vào sản xuất và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao…

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Châu Thành Đào Thành Vọng cho biết, thời gian qua, huyện tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp điều kiện của địa phương. Trong đó, chú trọng khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của nông sản địa phương trên thị trường. Bên cạnh sắp xếp, quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung, huyện quan tâm hỗ trợ nông dân ứng dụng KHKT, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Trương Ngọc Lợi cho biết: “Thời gian qua, Hội Nông dân huyện tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức, nâng cao kiến thức sản xuất - kinh doanh cho hội viên, nông dân. Nông dân biết cách tổ chức lại sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, biết liên kết với nhau từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm”.

Huyện Châu Thành chú trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển hệ thống trạm bơm điện đảm bảo việc tưới tiêu trong sản xuất. Ngành nông nghiệp huyện phối hợp các ngành chuyên môn sớm chuyển giao những công nghệ giống cây, con, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản… Tăng cường hỗ trợ nông sản của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện tiếp cận và kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài tỉnh.

Dù gặp không ít khó khăn khi chuyển từ canh tác lúa sang trồng cây ăn trái, nhưng với tính chịu khó học hỏi và sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp, hội nông dân các cấp, anh Khưu Thái Bình (sinh năm 1990, ngụ khóm Vĩnh Phước, thị trấn Vĩnh Bình) đang khá thành công, với thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/năm, từ mô hình trồng cam và xoài. “Bây giờ không chỉ trồng ra năng suất cao, mà còn phải biết ứng dụng KHKT, công nghệ cao vào sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Có như vậy mới tạo được lòng tin cho người tiêu dùng, sản phẩm của mình làm ra sẽ được đón nhận” - anh Bình chia sẻ.

Để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Châu Thành đã tiến hành quy hoạch và triển khai thực hiện các vùng và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực, như: Lúa, gạo, xã hội hóa giống lúa, chăn nuôi, thủy sản, rau màu, nấm dược liệu, hoa kiểng, cây ăn trái… Đồng thời, tích cự hỗ trợ nông dân ứng dụng KHKT, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành nông sản. Huyện chú trọng nâng cao năng lực hợp tác xã và tổ hợp tác tại vùng quy hoạch sản xuất, hình thành liên kết phục vụ chuỗi sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành đã yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát huy thế mạnh, thúc đẩy hợp tác, liên kết, tổ chức lại sản xuất. Đồng thời, từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương và thích ứng biến đổi khí hậu. Qua đó, xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao đang được địa phương duy trì và nhân rộng trên địa bàn, như: Sản xuất rau màu an toàn; sản xuất lúa giống chất lượng cao; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; trồng hoa kiểng; chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời phục vụ trồng cây ăn trái;  canh tác lúa thông minh, ứng dụng bón lót, phun giống, thuốc bằng máy bay không người lái (drone)…

Thời gian tới, các địa phương trên địa bàn huyện Châu Thành tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhằm phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái. Trong đó, từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp từng địa phương, thích ứng tình hình dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động các hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn huyện gắn với liên kết các ngành hàng chủ lực với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nhằm đảm bảo đầu ra nông sản, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững…

LÊ HOÀNG