Chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật

02/02/2023 - 06:47

 - Nhằm hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại khu vực miền núi, biên giới, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung, Hội Chữ thập đỏ tỉnh vừa triển khai chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật tỉnh An Giang” giai đoạn 2022-2027.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025), tổng số hộ nghèo hiện có là 20.074 hộ (chiếm 3,81%), hộ cận nghèo 31.046 hộ (chiếm 5,89%). Do hoàn cảnh thiếu thốn nên chế độ bữa ăn trong các gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn chưa được đảm bảo, đa số dựa vào điều kiện hiện có của gia đình hoặc sự hỗ trợ, bổ sung từ các nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện đến địa phương. Từ đó, đã tác động trực tiếp đến sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ em, trẻ khuyết tật. Trẻ dễ mắc nhiều căn bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt và học tập, nhất là trẻ em ở khu vực miền núi, biên giới.

Việc ăn uống thiếu chất, thiếu cân đối các nhóm dinh dưỡng là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh suy dinh dưỡng và nhiều bệnh tật khác ở trẻ em. Mới đây, một bé gái 13 tuổi tại TP. Châu Đốc đã phải điều trị lâu dài tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang do mắc bệnh viêm não. Truy tìm nguyên nhân, mẹ cháu gái cho biết do 3 mẹ con làm nghề nhặt ve chai, nên cháu thường thích nhặt nhạnh những loại bánh, trái cây đã cúng xong bị vứt quanh các bãi rác về nhà ăn, gây bệnh.

Nhóm Sen Trắng tặng bánh cho trẻ em nghèo ở huyện Tri Tôn

Trước thực trạng một số gia đình quá khó khăn, không có điều kiện chăm lo bữa ăn cho con em mình, một số nhóm thiện nguyện tổ chức những chuyến thiện nguyện lồng ghép tặng bữa ăn sáng, bánh, sữa, đồ chơi, quần áo cho trẻ. Đây là hoạt động vừa giúp trẻ có thêm niềm vui, vừa góp phần chăm lo thể chất và tinh thần các em.

“Khi đến thăm và tặng quà cho các em nhỏ ở các huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên, tôi thấy nhiều em lấm lem, phải sống trong cảnh thiếu thốn quần áo, thực phẩm nên tôi vận động bạn bè cùng chung tay thu gom quần áo cũ, sữa, tự tay làm bánh ngọt, nước uống, đồ chơi để tặng các bé. Tuy chỉ là hoạt động nhỏ nhưng tôi hy vọng sẽ mang lại niềm vui, ấm áp cho trẻ trong dịp lễ, Tết” - chị Nguyễn Huỳnh Ngọc Thủy (phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

“Một cánh én không làm nên mùa Xuân”, những hoạt động thiện nguyện của một vài tổ chức không thể cải thiện dinh dưỡng toàn diện cho trẻ. Do vậy, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật tỉnh An Giang”. Giai đoạn thí điểm từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2023 tại 7 xã của huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú (nơi đang triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”). Giai đoạn nhân rộng từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2027, tiếp tục huy động nguồn lực để triển khai tại các huyện, thị xã, thành phố, 2 trung tâm trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các trung tâm, cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang sẽ phối hợp địa phương, các đơn vị liên quan lựa chọn địa bàn và đối tượng hưởng lợi theo tiêu chí, khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu, nhu cầu thực tế tại địa phương; tổ chức hội nghị triển khai hoặc lồng ghép tổ chức các cuộc họp trực tuyến, trực tiếp cho cán bộ, đơn vị liên quan tham gia. Đồng thời, in ấn và cấp phát tài liệu truyền thông về dinh dưỡng cho trẻ em ; tổ chức cuộc thi về dinh dưỡng cho người chăm sóc trẻ, các em học sinh về kiến thức, kỹ năng (thi nấu ăn cho các bữa cơm đủ dinh dưỡng). Vận động, hỗ trợ, cung cấp lương thực, thực phẩm, sữa tươi, học bổng, xe đạp... để bổ sung khẩu phần ăn của trẻ và hỗ trợ cải thiện điều kiện học tập tại các trường mẫu giáo, tiểu học, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nghèo, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình “Bếp sạch, cơm ngon” ở điểm trường bán trú, nội trú tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng núi, biên giới; vận động nguồn lực xây dựng bếp mới đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, vận động phụ huynh, giáo viên, học sinh tham gia phong trào “Ngày thực phẩm an toàn” tại chỗ (trồng rau, chăn nuôi tại trường học, gia đình...); phân bổ tốt nguồn lương thực, thực phẩm của các đơn vị tài trợ…

Hội Chữ thập đỏ khuyến khích vận động các cửa hàng, quán ăn tham gia vào các hoạt động chia sẻ thực phẩm an toàn cho trẻ em nghèo, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hình thành chuỗi cung ứng chia sẻ thực phẩm (Food bank). Trong đó, thí điểm vận hành “Quán ăn 0 đồng”, “Quán Thiện tâm”, “Bếp ăn tình thương”; cung cấp thông tin về dinh dưỡng cho trẻ.

NGỌC GIANG