Ảnh: HÀ PHÚC
Ưu tiên giải nhiệt
Những ngày qua, thời tiết rất nóng bức. Cao điểm 13 - 14 giờ, nhiệt độ có thể trên 380C. Nắng nóng, cộng với bức xạ nhiệt và hơi nóng từ mặt đường nhựa, nhà cao tầng, làm cho không khí ngột ngạt, bức bối. Dễ nhận thấy nhất là người lưu thông ngoài đường vào khung giờ này đều di chuyển nhanh chóng, tránh nóng hầm hập đang tỏa nhiệt. Chị Võ Thị Ngọc (38 tuổi, ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Thời tiết mấy hôm nay quá oi bức, ngột ngạt. Nếu không cần thiết, tôi sẽ không đi lại vào khung giờ trưa. Dù che chắn rất cẩn thận, nhưng tôi vẫn thấy choáng váng khi đi dưới trời nắng nóng”.
Nón, áo khoác, vớ các loại… là những mặt hàng bán khá chạy vào thời điểm này. Ngoài ra, một số rau, củ, quả giải nhiệt cũng bán chạy hơn. Theo đó, nước mía đang là mặt hàng được ưa chuộng, có giá 10.000 - 15.000 đồng (tùy theo chai hoặc ly). Tương tự, dừa được bán ở mức giá 10.000 - 12.000 đồng (bọc hoặc trái), luôn đông người mua.
Quán cà-phê máy lạnh hay sân vườn là địa điểm “trốn nóng” khá lý tưởng, được nhiều người lựa chọn. “Thời tiết đang nắng gắt, lại chuyển sang mưa, thật đáng lo ngại. Mỗi lúc hẹn khách hàng bàn công việc, quán cà-phê có máy lạnh luôn là lựa chọn hàng đầu của tôi. Để tránh nóng, dịp cuối tuần, tôi thường đưa các con đến trung tâm thương mại, vừa vui chơi, vừa giảm bớt áp lực học” - chị Nguyễn Thị Nhi (33 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) bày tỏ.
Đe dọa sức khỏe
Ghi nhận ở các bệnh viện, lượng bệnh nhân gia tăng do thời tiết đang chuyển mùa, mưa nắng đan xen. Trong đó, nhiều trẻ nhỏ nhập viện do mắc bệnh: Sốt xuất huyết (SXH), sốt phát ban, sốt siêu vi, hen phế quản…
Theo TS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế, từ đầu năm đến ngày 8/5, toàn tỉnh ghi nhận 1.792 ca SXH, không có ca tử vong; phát hiện, xử lý 532 ổ dịch SXH. Nhiều nhất là huyện Châu Phú (114 ổ dịch), Chợ Mới (82 ổ dịch), TP. Châu Đốc (55 ổ dịch). So cùng kỳ năm 2022, số mắc SXH giảm 17%. Đối với bệnh tay - chân - miệng, từ đầu năm 2023 đến ngày 8/5, ghi nhận 268 ca, không có tử vong; đã phát hiện và xử lý 13 ổ dịch trên địa bàn huyện Thoại Sơn (3 ổ dịch), huyện Chợ Mới, Châu Phú, TP. Long Xuyên (mỗi nơi 2 ổ dịch ), tăng 387% so cùng kỳ.
Toàn tỉnh ghi nhận 583.863 lần khám bệnh, trong đó bệnh viện tuyến tỉnh khám 135.276 lần (chiếm 23,2%); tuyến huyện, xã khám 409.763 lần (chiếm 70,2%); bệnh viện tư nhân khám 38.824 lần (chiếm 6,6%). Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 27.876 người, trong đó bệnh viện tỉnh điều trị 18.356 lượt người (chiếm 65,8%); trung tâm y tế và phòng khám đa khoa khu vực huyện/thị xã/thành phố điều trị 7.318 lượt (tỷ lệ 26,2%); bệnh viện tư nhân điều trị 2.202 lượt người (chiếm tỷ lệ 7,9%).
Trước diễn biến dịch bệnh gia tăng, ngành y tế dự phòng tập trung phòng, chống dịch bệnh: COVID-19, SXH, tay - chân - miệng và các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa hè; cảnh giác bệnh: Tả, cúm A/H5N1, viêm não virus...
Đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh. Nhất là sắp tới diễn ra các kỳ thi quan trọng (thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh cao đẳng, đại học…), học sinh cần nâng cao sức khỏe để hoàn thành tốt kỳ thi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, người dân hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật sự cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng, nên mặc đồ chống nắng, đội mũ, đeo kính, khẩu trang… Bổ sung nước, khoáng chất, vitamin, ăn nhiều rau xanh và trái cây để tăng cường sức dẻo dai của cơ thể.
Trẻ em rất dễ mắc bệnh mùa nóng. Ngành y tế khuyến cáo, trong thực đơn ăn uống hàng ngày của trẻ, cha mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất, vitamin, cho trẻ uống đủ nước từ 1 - 1,5 lít/ngày (gồm sữa, nước lọc, nước trái cây). Có chế độ sinh hoạt khoa học, chế độ vận động, ngủ nghỉ hợp lý; cho trẻ rửa tay nhiều lần trong ngày bằng nước rửa tay, xà bông, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh (để phòng bệnh lây nhiễm, COVID-19, tay - chân - miệng…); cho trẻ ngủ mùng, kể cả ban ngày để phòng tránh bệnh SXH.
BSCKII, Trưởng phòng Y tế TP. Long Xuyên Nguyễn Văn Sử cho biết: “Khi môi trường quá nóng, cơ thể thích nghi bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi và hơi nước để thải nhiệt. Vì vậy, khiến mất nhiều nước và chất khoáng, người dễ mệt mỏi, suy nhược, biếng ăn, thiếu năng lượng và các dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe. Mặt khác, dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm do nhiệt độ môi trường cao, thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Người dân cần lưu ý giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm”. |
HỮU HUYNH - PHƯƠNG LAN