
Đại diện các nước tham dự cuộc họp cấp ngoại trưởng của NATO tại trụ sở của tổ chức này ở Brussels, Bỉ, ngày 3/4/2025. (Ảnh: Tân hoa xã)
Phát biểu của nhà lãnh đạo NATO được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio khẳng định Washington vẫn cam kết duy trì vai trò là một thành viên của NATO, đồng thời kêu gọi đồng minh tăng mạnh chi tiêu quốc phòng để củng cố năng lực của liên minh quân sự này.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Kaja Kallas cũng cho rằng, việc người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ một lần nữa xác nhận cam kết của Washington đối với NATO có ý nghĩa rất quan trọng, tuy nhiên, về phần mình, các quốc gia châu Âu cũng cần phải mạnh mẽ hơn.
Các bộ trưởng ngoại giao NATO đã nhóm họp để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào tháng 6 tới tại La Haye, Hà Lan. Các cuộc họp diễn ra trong bối cảnh châu Âu lo ngại chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dần rời xa NATO và giảm bớt cam kết với các đồng minh châu Âu.
Họ đang chịu áp lực gia tăng về việc tăng cường năng lực quốc phòng sau khi ông Trump đặt câu hỏi liệu Mỹ - quốc gia đóng vai trò bảo đảm an ninh cho châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai - có nên tiếp tục vai trò trung tâm trong NATO hay không.
Theo ông Trump, châu Âu phải chịu gánh nặng bảo đảm an ninh của chính mình và các nước NATO nên tăng chi tiêu quân sự lên 5% GDP.
Trước áp lực phải tăng cường năng lực phòng vệ và tăng chi quốc phòng, để giảm dần phụ thuộc vào Mỹ, một số cường quốc quân sự lớn nhất của châu Âu đang xây dựng kế hoạch đảm nhận trách nhiệm phòng thủ lớn hơn cho châu lục.
Anh, Pháp, Đức và các nước Bắc Âu đang xây dựng đề xuất nhận chuyển giao năng lực phòng thủ trong 5-10 năm tới. Hiện tại, các bên mới đang tiến hành các cuộc thảo luận không chính thức nhưng có hệ thống về vấn đề này, trong đó có việc tăng chi tiêu quốc phòng và nâng cao năng lực quân sự để thuyết phục Mỹ chấp thuận một tiến trình chuyển đổi có kiểm soát.
Theo nhận định của một số quan chức châu Âu, ngay cả khi tăng ngay chi tiêu quân sự thì châu Âu cũng phải mất ít nhất 5-10 năm mới phát triển được các năng lực cần thiết thay thế được Mỹ, chưa tính đến năng lực răn đe hạt nhân.
Sau khi Mỹ đột ngột thay đổi chính sách trong quan hệ với châu Âu, Anh, Pháp, Italia xác nhận đã đặt mua tên lửa phòng không mới. Đơn hàng bao gồm một số lượng chưa công bố tên lửa Aster 30 B1 mới, sẽ được đưa vào sử dụng trong hệ thống phòng không đất-đối-không SAMP/T tương lai của Pháp và Italia, cũng như tàu hải quân của cả ba nước vào năm tới.
Trong “Sách trắng” về quốc phòng được công bố hồi giữa tháng 3 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định tầm quan trọng của việc phải khởi động kế hoạch “tái vũ trang châu Âu” vào năm 2030.
Thực tế, chi tiêu quân sự của 27 nước thành viên EU đã tăng hơn 31% kể từ năm 2021, đạt 326 tỷ euro vào năm 2024, song mức chi tiêu này được cho là chưa đủ.
Với việc công bố “Sách trắng”, EC chính thức đưa ra các phác thảo cho mục tiêu huy động 800 tỷ euro nhằm đưa quốc phòng châu Âu vào quỹ đạo. EC muốn các quốc gia thành viên EU có thể dành tới 1,5% GDP cho chi tiêu quân sự trong bốn năm tới mà không lo vi phạm các quy tắc ngân sách về thâm hụt công. Điều này có thể giúp huy động tới 650 tỷ euro trong giai đoạn này.
Ngoài ra, EC cũng muốn 27 quốc gia thành viên nhanh chóng phê duyệt kế hoạch cho khoản vay 150 tỷ euro nhằm tài trợ chung cho việc mua sắm và đầu tư trong lĩnh vực quốc phòng tại EU.
Các nước EU xác định một loạt các lĩnh vực ưu tiên để hành động ở cấp độ khu vực và hoàn toàn thống nhất với NATO, bao gồm việc nâng cao hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, hệ thống pháo binh, tăng cường tên lửa và đạn dược, thúc đẩy nghiên cứu, cải tiến máy bay không người lái và hệ thống chống máy bay không người lái.
Những nỗ lực đầu tư quốc phòng và mua sắm để nâng cao năng lực của EU phần nào giúp châu Âu đỡ phụ thuộc vào “chiếc ô an ninh” vốn không chắc chắn từ Mỹ, song cũng để xoa dịu sự hoài nghi của ông Trump trong vấn đề bảo đảm an ninh của Mỹ đối với Lục địa Già, đồng thời vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương.
Theo Báo Nhân Dân