Châu Đốc 45 năm một chặng đường

30/04/2020 - 03:46

 - Là địa bàn có nhiều vấn đề phức tạp về tôn giáo, dân tộc, biên giới, tỉnh Châu Đốc (nay là TP. Châu Đốc, An Giang) là một trong những trọng điểm của địch. Vượt qua gian khổ, mất mát, lực lượng thị xã vẫn kiên cường bám trụ củng cố cơ sở, tổ chức phối hợp lực lượng tỉnh, huyện chống phá âm mưu bình định của địch, giải phóng thị xã vào sáng 1-5-1975. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân TP. Châu Đốc đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.

Giải phóng Châu Đốc

Thể hiện quyết tâm chiến lược: “Phải tập trung từng giờ, từng phút, từng tháng, từ đầu tháng 4 này, nơi nào sẵn sàng vùng lên ngay cướp chánh quyền, không chờ đợi hay chờ lực lượng chủ lực, cứ như thế liên tục tấn công và phát triển cho đến ngày toàn thắng chứ không theo yêu cầu, mức độ, thời gian của Chỉ thị số 02/CT-75”. Tháng 4-1975, Tỉnh ủy Long Châu Hà họp kiểm điểm tình hình, đề ra kế hoạch giải phóng tỉnh, trong đó hạ quyết tâm giải phóng Long Xuyên. Lực lượng Châu Đốc tự lực giải phóng thị xã.

Sau cuộc họp Tỉnh ủy Long Châu Hà (tháng 4-1975), Ban cán sự Đảng Châu Đốc họp chuẩn bị kế hoạch giải phóng TX. Châu Đốc. Ngày 30-4, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ngay tối hôm đó, Ban cán sự Đảng cấp tốc mở cuộc họp, quyết định phương châm chính là tấn công binh vận kết hợp phát động phong trào quần chúng nổi dậy. Lúc đó, chính quyền ngụy lọt vào tay bọn đội lốt Phật giáo Hòa Hảo. Bọn này tuyên bố tử thủ, ra lệnh giới nghiêm.

Sáng 1-5-1975, ngụy quyền suy sụp hoàn toàn. Bọn quân ô hợp đội lốt tôn giáo tự tan rã. Lực lượng biệt động mật nội ô làm chủ Ty Thông tin, lập trụ sở của lực lượng giải phóng, phát loa kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Đến 7 giờ sáng 1-5-1975, lá cờ Mặt trận giải phóng đầu tiên được treo ở dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền. 8 giờ lá cờ thứ 2 được treo ở Ty Thông tin.

Sau đó, nhiều lá cờ được giương lên khắp phố phường. Khí thế lúc đó không chỉ có những lá cờ xanh đỏ ngôi sao vàng mà còn có cả tiếng hô vang của quần chúng hưởng ứng lực lượng cách mạng giành chính quyền. Mọi người nô nức, phấn khởi, sung sướng, lẫn trong đó là những vẻ mặt hoang mang, sợ sệt của những người làm việc cho chế độ Sài Gòn.

12 giờ trưa lực lượng cách mạng tổ chức cuộc mít-tinh ở trước Ty Thông tin với hơn 6.000 đồng bào tham dự. Ta kêu gọi binh lính, sĩ quan buông súng đầu hàng. Quần chúng cùng lực lượng cách mạng tiếp quản các nơi còn lại. Đến 15 giờ ngày 1-5-1975, ta hoàn toàn chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong thị xã. Tên Phó Tỉnh trưởng hành chánh trực tiếp giao lại toàn bộ hồ sơ, tài liệu... Châu Đốc được giải phóng.

Châu Đốc 45 năm một chặng đường

Châu Đốc - thành phố trẻ, năng động sau 45 xây dựng và phát triển

Thành phố trẻ, năng động

Ngày 30-4-1975 trở thành mốc son lịch sử của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. 45 năm đã đi qua, chặng đường bảo vệ và xây dựng phát triển quê hương, đất nước thật sự không phải là một quá trình giản đơn. Song hành nhiệm vụ “xây dựng” và “bảo vệ”, Châu Đốc cùng các địa phương trong cả nước đã và đang vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển không ngừng.

Bệnh xá, trường học, đường làng… đã được xây dựng mới thành bệnh viện trang bị đầy đủ các trang thiết bị tiên tiến, đường xá đã được tráng nhựa, bê-tông hóa lộ giao thông nông thôn, trường học khang trang, rộng rãi đáp ứng nhiệm vụ “trồng người”… Từ lúa mùa, nay nông dân đã trồng lúa 3 vụ. Đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng cải thiện. Và giờ đây, Châu Đốc đã “thay da đổi thịt”.

5 năm qua, hoạt động du lịch núi Sam nói riêng và Châu Đốc nói chung đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Lượng khách hàng năm đạt trên 4,5 triệu lượt khách, tỷ trọng của du lịch núi Sam đóng góp cho GRDP TP. Châu Đốc đạt trên 7%.

Đến nay, có 60 doanh nghiệp tham gia đầu tư, tổng số dự án đăng ký và thực hiện là 28 dự án, với tổng mức vốn đầu tư dự kiến trên 4.785 tỷ đồng. Trong đó đã triển khai thực hiện 13 dự án, với diện tích 64,72ha, tổng giá trị đầu tư hơn 1.053 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, 2 xã Vĩnh Châu và Vĩnh Tế tiếp tục duy trì, nâng chất đạt 19/19 tiêu chí và 49/49 chỉ tiêu, đạt 100% so với chỉ tiêu nghị quyết; nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn, cùng với sự phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao; an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo không ngừng phát triển, chất lượng dạy và học học từng bước nâng lên, cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện. Công tác quốc phòng - an ninh luôn đảm bảo, an ninh - trật tự xã hội tiếp tục giữ vững. Quan hệ giữa chính quyền và nhân dân huyện giáp biên giới Campuchia được duy trì và phát triển. Hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn và đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn…

Sau 45 năm giải phóng, Châu Đốc tuy nhỏ về quy mô, diện tích nhưng đã mang dáng dấp của một thành phố trẻ - năng động, văn minh, hiện đại. Kết quả trên là một chặng đường nhiều gian khó, nhưng cũng đầy tự hào với Đảng bộ, chính quyền và người dân TP. Châu Đốc.

THU THẢO