Châu Đốc xây dựng môi trường du lịch lành mạnh

06/09/2020 - 17:03

 - Những năm qua, ngành du lịch (DL) TP. Châu Đốc (An Giang) đã có những bước phát triển phấn khởi, thu hút trên 4 triệu lượt khách mỗi năm, tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế ngày càng tăng. Cũng như nhiều địa phương có tiềm năng phát triển DL, Châu Đốc luôn chú trọng xây dựng môi trường DL lành mạnh, là điểm đến an toàn, thân thiện và văn minh.

Khu vực bán đặc sản mắm. Ảnh: T.C

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Châu Đốc Vũ Thanh Trúc: “Châu Đốc được du khách đánh giá là điểm đến yêu thích. Đó là niềm vui của ngành DL thành phố. Hàng năm, Khu DL núi Sam thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, hành hương. Đây là điều kiện để các loại tội phạm trà trộn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trộm cắp, cướp giật, lừa đảo du khách, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương.

Với quyết tâm “làm sạch” môi trường DL địa phương, phòng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Bộ quy tắc quy định về chuẩn mực ứng xử của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực DL và các ngành liên quan. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nêu trên để tạo dựng thương hiệu cho DL địa phương”.

Theo đó, những chiến dịch “làm sạch” môi trường DL đã được chính quyền và lực lượng chức năng địa phương triển khai quyết liệt, với nhiều hình thức. Trong đó, tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo người dân, du khách về tình trạng chèo kéo, cò mồi, bán chim phóng sinh… để người dân cảnh giác. TP. Châu Đốc đã cho lắp đặt hệ thống camera quan sát ANTT tại Khu DL núi Sam và các tuyến, địa bàn trọng điểm về ANTT, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP. Châu Đốc. Việc đưa vào hoạt động hệ thống camera an ninh đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm, kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Miếu bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: THANH HÙNG

TP. Châu Đốc còn duy trì hoạt động các số điện thoại đường dây nóng để kịp thời nắm bắt thông tin và hỗ trợ du khách giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi, an toàn tính mạng và tài sản. Với những biện pháp quyết liệt của chính quyền địa phương, tình trạng ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo du khách tại các khu, điểm DL từng bước được đẩy lùi; giá hàng hóa, dịch vụ được công khai niêm yết và bán đúng giá; ANTT được đảm bảo thuận tiện, thông thoáng cho du khách tham quan và nghỉ dưỡng... 

Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố đã tham mưu thực hiện xây dựng clip, phát hành 9.000 cuốn, 19 pa-nô tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động DL cho du khách, các đoàn famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị), doanh nghiệp kinh doanh DL trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn về giao tiếp ứng xử cho các hộ kinh doanh mua bán, lễ tân khách sạn, tình nguyện viên DL.

Con số hàng triệu du khách và hàng tỷ đồng doanh thu từ DL mỗi năm, là kết quả của hàng loạt các chính sách vĩ mô, những dự án đầu tư, những công trình lớn về hạ tầng DL... thể hiện sự nỗ lực của chính quyền địa phương, nhất là ngành DL thành phố từ những điều nhỏ bé. Nhất là sự tận tình, chu đáo, kỹ năng chuyên nghiệp của nhân viên DL; sự văn minh, thân thiện thể hiện qua cử chỉ, ánh mắt, nụ cười của mỗi người kinh doanh dịch vụ - DLvà người dân địa phương.

Biểu tượng cá ba sa tại ngã ba sông Châu Đốc. Ảnh: T.TIẾN

Để tạo dựng được môi trường DL văn minh - văn hóa, bên cạnh những chính sách, biện pháp mang tính hành chính, răn đe của ngành chức năng và chính quyền địa phương thì điểm mấu chốt chính là nhận thức và ý thức của mỗi người. Muốn xây dựng, khẳng định thương hiệu DL Châu Đốc là điểm đến “An toàn, thân thiện và văn minh” thì phải luôn có sự đồng hành của yếu tố văn hóa DL.

Để làm được điều này, mỗi người kinh doanh dịch vụ - DL cần xây dựng được những kỹ năng thực hành DL lành mạnh. Kỹ năng ấy bắt đầu từ những điều đơn giản, như: “xin chào”, “xin mời”, “xin cảm ơn”, “xin lỗi” và nụ cười mến khách. Cùng với đó là thái độ trung thực, khiêm tốn; ứng xử, giao tiếp nhã nhặn, lịch sự của mỗi nhân viên DL, mỗi người dân.

Những kỹ năng này cần được thực hành kiên trì, thường xuyên, trong mọi hoàn cảnh, với mọi du khách, để dần hoàn thiện tới mức trở thành thói quen, thành lối ứng xử tự nhiên trong mỗi người nhằm làm hài lòng du khách. Qua đó, đưa ngành DL ngày càng phát triển, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội và là ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Châu Đốc.

THU THẢO