Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Tembisa, Nam Phi, ngày 2-3-2021. Ảnh: AFP-TTXVN
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn lời Giám đốc WHO khu vực châu Phi, ông Matshidiso Moeti, nói rằng việc Botswana và Nam Phi phát hiện và báo cáo kịp thời về biến thể mới của virus đã cho thế giới thêm giời gian, và chúng ta có cơ hội nhưng phải nhanh chóng hành động và tăng cường các biện pháp phát hiện cũng như ngăn chặn sự virus lây lan. Các quốc gia phải điều chỉnh phản ứng đối với COVID-19 và ngăn số ca bệnh gia tăng trên khắp châu Phi, vì điều này có thể khiến các cơ sở y tế vốn đã căng thẳng trở nên quá tải.
Theo WHO, biến thể Omicron cho đến nay chỉ được phát hiện ở 4 quốc gia châu Phi bao gồm Nam Phi (172 trường hợp), Botswana (19 trường hợp), cùng với một số trường hợp mới phát hiện ở Ghana và Nigeria. Chỉ riêng hai nước đầu tiên đã chiếm 62% tổng số ca nhiễm biến chủng Omicron trên toàn cầu. Sự gia tăng số ca nhiễm gần đây ở phía Nam châu Phi, chủ yếu từ Nam Phi với mức tăng 311%, theo báo cáo công bố ngày 30-11.
WHO cho biết đã cử một nhóm chuyên gia tới Gauteng, tỉnh có số ca nhiễm nhiều nhất Nam Phi, để giúp nước này tăng cường các biện pháp phòng ngừa và điều trị COVID-19. WHO nhấn mạnh đang làm việc với các chính phủ châu Phi để đẩy nhanh các nghiên cứu và tăng cường phản ứng với biến thể mới. WHO cũng đang thúc giục các quốc gia xử lý từ 75 đến 150 mẫu hàng tuần. Tổ chức này cho biết thêm rằng các chuyên gia và 12 triệu USD đã được huy động để hỗ trợ lần lượt cho Botswana, Mozambique và Namibia trong 3 tháng tới.
Theo WHO, tỷ lệ tiêm chủng tại khu vực châu Phi vẫn ở mức thấp, với chỉ 7,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ và hơn 80% vẫn đang chờ tiêm liều đầu tiên. Sự xuất hiện của chủng Omicron sẽ là lời cảnh tỉnh rằng mối đe dọa COVID-19 là sự thật. Cùng với các đối tác của mình, WHO đang hỗ trợ các quốc gia trong việc phân phối và sử dụng vaccine.
Theo NGUYỄN TÚ (Báo Tin Tức)