Xã Châu Phong (TX. Tân Châu, An Giang) có diện tích tự nhiên 2.214 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 1.674 ha. Tổng số hộ trên địa bàn là 6.697 hộ, với 30.614 nhân khẩu. Đặc thù của xã là 2 dân tộc Kinh và Chăm cùng sinh sống đoàn kết với nhau. Cộng đồng Chăm hiện sống tập trung ở 3 ấp: Phũm Soài, Châu Giang và Hòa Long, với 1.304 hộ, 6.141 nhân khẩu. Cơ cấu kinh tế của xã là sản xuất (SX) nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch.
Những năm qua, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Châu Phong đã không ngừng phát triển đi lên, kinh tế phát triển, tình làng nghĩa xóm luôn được thắt chặt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện. Ngoài sản xuất nông nghiệp, xã còn tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại- dịch vụ. Toàn xã hiện có 1.214 hộ kinh doanh cá thể, 1 cơ sở may gia công, giải quyết hàng trăm lao động ở địa phương có việc làm ổn định.
“Trước đây, con tôi phải ra Bình Dương làm công nhân may mặc, 1 năm chỉ về nhà được 2 lần. Nay, trên địa bàn xã có cơ sở may gia công hàng xuất khẩu, các con tôi đã về đây làm, vừa gần nhà vừa có thu nhập tương đương ở Bình Dương. Cuộc sống gia đình tôi giờ đây rất ổn định. Tôi rất biết ơn Đảng bộ, chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân có công ăn việc làm ổn định”- bà Trần Thị Hoa, ấp Châu Giang, chia sẻ.
Nhờ có cơ sở may gia công, nhiều lao động ở địa phương có việc làm ổn định
Trên lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, xã đã vận động nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào SX nhằm nâng cao hiệu quả trong SX, giảm chi phí, tăng thu nhập. Đến thời điểm này, có trên 90% diện tích đất SX áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, nhờ đó hiệu quả không ngừng được nâng cao, chất lượng sản phẩm nâng lên.
“Nông dân trên cánh đồng này hiện không còn chạy theo năng suất (như trước) mà luôn tính đến hiệu quả SX trong 1 vụ, đến tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư. Từ việc đưa khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng như áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, bón phân theo bảng so màu lá, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có gốc sinh học… nên hiệu quả đạt rất cao”- ông Trần Văn Thời, ấp Vĩnh Tường I, chia sẻ.
Nông dân Châu Phong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng nên đạt năng suất cao
Cùng với bà con người Kinh, cuộc sống của người Chăm Châu Phong giờ đây đã khấm khá hơn nhiều. “Đa phần bà con người Chăm sống bằng nghề buôn bán. Người có sức khỏe thường đi làm ăn ở xa, số ở lại địa phương bằng nghề làm lúa, chăn nuôi bò, dê hoặc buôn bán nhỏ. Trong cộng đồng Chăm Châu Phong không có hộ đói, nghèo. Nếu có trường hợp nào gặp khó khăn, bà con ở đây tương trợ nhau rất tốt, tính cộng đồng làng xã rất cao, từ đó tình làng nghĩa xóm thắt chặt…”- ông Mách Xa Lếh, ấp Phũm Xoài, chia sẻ.
Những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông Hậu ở khu vực xã Châu Phong diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trước thực tế này, tỉnh đã xây dựng nhiều khu dân cư mới để di dời những hộ sống trong vùng sạt lở về nơi ở mới. cuộc sống ổn định hơn. “Gia đình tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ có nhà bị sạt lở di dời về nơi ở mới, rất an toàn. Hiện nay, vào ban đêm bà con ở đây đã ngủ ngon. Còn trước kia, ban đêm không dám ngủ vì sợ sạt lở rơi xuống sông…”- bà Nguyễn Thị Lệ chia sẻ.
“Thời gian tới, xã sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết tốt việc làm. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo cho mọi người dân có cơ hội tham gia và chia sẻ thành quả của sự phát triển. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố hệ thống chính trị, bảo vệ quốc phòng - an ninh, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh…”- Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong Nguyễn Trung Giang chia sẻ
|
Bài, ảnh: MINH HIỂN