Châu Phú, bước tiến sau một nhiệm kỳ

16/07/2020 - 04:57

 - Sáng nay (16-7), Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Châu Phú (An Giang) lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Trước thềm đại hội, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Trần Thanh Nhã đã chia sẻ những thành tựu nổi bật của huyện Châu Phú đạt được trong nhiệm kỳ qua, cũng như những phương hướng để xây dựng, phát triển địa phương trong nhiệm kỳ mới.

Phóng viên (PV): nhiệm kỳ 2015-2020 khép lại, huyện Châu Phú đã đạt những kết quả nổi bật gì trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI?

Đồng chí Trần Thanh Nhã: qua một nhiệm kỳ, Châu Phú đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều bước tiến. Cơ cấu kinh tế cả 3 khu vực đều tăng so đầu nhiệm kỳ; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so nhiệm kỳ trước; hơn 50% số xã đạt nông thôn mới (vượt nghị quyết 175%); vốn đầu tư phát triển tăng 78,8%; tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân đạt 1,57%. 5 năm qua, huyện Châu Phú đã tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp gắn với việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và hướng đi này đã phát huy được thế mạnh, tiềm năng. Hiện, huyện Châu Phú có 1.947ha đất được chuyển dịch cơ cấu từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản (đầu nhiệm kỳ 300ha). Trong đó có 1.500ha chuyển sang trồng cây ăn trái, hiệu quả kinh tế tăng lên từ 10-30 lần. Đặc biệt, 2 dự án nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của Công ty Nam Việt và Công ty Lộc Kim Chi (chiếm 2/3 tổng vốn đầu tư của các dự án nông nghiệp trên địa bàn huyện) đã đi vào hoạt động, giúp giá trị sử dụng đất nông nghiệp của huyện nâng lên rõ nét.

Điểm nổi bật đáng phấn khởi trong nhiệm kỳ qua phải kể đến của huyện Châu Phú là đã tìm được giải pháp phù hợp để tạo quỹ đất và kêu gọi đầu tư theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp và nhà nước. Trong 5 năm, Châu Phú đã kêu gọi được 15 dự án đầu tư (7 dự án lĩnh vực nông nghiệp và 8 dự án lĩnh vực phát triển hạ tầng, đô thị), với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, nhờ đó đã giúp Châu Phú trở thành một trong các địa phương có số doanh nghiệp đầu tư và đăng ký đầu tư cao. Huyện đã nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh 223km đường giao thông, xây 62 cây cầu các loại, giúp giao thông các xã được kết nối, thuận lợi phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và đảm bảo quốc phòng - an ninh, trong đó có sự góp sức không nhỏ của nhân dân.

Với mục tiêu thực hiện tinh gọn bộ máy, Huyện ủy Châu Phú đã sáp nhập 6 đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức lại 2 đơn vị. Qua đó, Khối đảng - đoàn thể cấp huyện giảm 16 biên chế; khối cơ quan nhà nước, sự nghiệp giảm 83 biên chế; cấp xã đã tinh giản 100 biên chế. Đồng thời, thực hiện đồng bộ mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND từ cấp huyện đến 100% xã, thị trấn; thực hiện kiêm nhiệm người đứng đầu của các cơ quan tham mưu cấp ủy và cơ quan tham mưu của UBND huyện có nhiệm vụ tương đồng; sáp nhập Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND và UBND huyện thành Văn phòng Huyện ủy, HĐND và UBND huyện. Để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của cán bộ, công chức và tạo nguồn nhân lực cho nhiệm kỳ mới, Châu Phú đã phối hợp Trường Đại học An Giang mở lớp đào tạo đại học chính quy văn bằng 2 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho 48 cán bộ thuộc diện quy hoạch, cử đi đào tạo sau đại học 30 cán bộ.

PV: qua một nhiệm kỳ hoạt động, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Châu Phú đã đúc kết được những kinh nghiệm như thế nào để tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ mới, thưa đồng chí!

Đồng chí Trần Thanh Nhã: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Châu Phú xác định, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ. Để huy động được sức mạnh tổng hợp cần thực hiện tốt công tác vận động quần chúng và xây dựng Đảng.

Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong từng cơ quan, đơn vị là động lực quan trọng để thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra. Do đó, người đứng đầu phải gương mẫu, đạo đức, bản lĩnh tạo sự đoàn kết, thống nhất cần có trong toàn Đảng bộ. Trong công tác lãnh đạo phải thực hiện đồng bộ giữa lãnh, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với công tác xây dựng Đảng về mọi mặt, nếu xem nhẹ hay lãng quên bất cứ nhiệm vụ nào thì Đảng bộ sẽ không thể đạt được sự phát triển như mục tiêu đã đề ra.

PV: nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Châu Phú đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm gì để tiếp tục xây dựng và phát triển địa phương?

Đồng chí Trần Thanh Nhã: nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Châu Phú đề ra mục tiêu vận dụng linh hoạt, hiệu quả các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất để thu hút nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và tổ chức tốt các chuỗi liên kết bao tiêu nông sản. Đồng thời, phải thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ mới để nâng cao giá trị sản phẩm.

Về lâu dài, huyện đề ra lộ trình hiện đại hóa nông thôn, khai thác tiềm năng, quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thương mại dịch vụ chất lượng, văn minh. Tiếp tục chỉnh trang và nâng cấp đô thị đối với thị trấn Cái Dầu, phát triển trục đô thị Cái Dầu - Bình Long - Bình Mỹ và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án phát triển đô thị như: khu nghỉ dưỡng, cụm tiểu thủ công nghiệp, khu dân cư - thương mại, qua đó, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động có tay nghề, góp phần nâng cao mặt bằng chung về trình độ dân trí. Huyện sẽ hoàn thiện hạ tầng hệ thống giao thông để làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định, trong đó, ưu tiên hoàn thành tuyến Nam Kênh 10 nối ra Tỉnh lộ 941 (giáp huyện Châu Thành) và tuyến Nam Cần Thảo (từ Quốc lộ 91 giáp huyện Tịnh Biên), đồng thời đưa vào hoạt động bến đò Hòa Bình xã Khánh Hòa - Hòa Lạc (Phú Tân).

Tiếp tục thực hiện quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ ở các cấp, ngành đạt chuẩn. Chủ động nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; việc tuyển chọn, bố trí, luân chuyển, điều động cán bộ gắn với quy hoạch. Xây dựng Đảng vững mạnh trên cả 4 mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, đồng thời, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hoàn thiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). 

PV: xin cám ơn đồng chí!

MỸ LINH (Thực hiện)