Phổ cập bơi để phòng, chống đuối nước cho trẻ
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Văn Bé Tám cho biết: “Toàn huyện Châu Phú hiện có 46.567 trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi, chiếm 23,5% dân số toàn huyện. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 98,99%, bậc THCS đạt 94,84%. Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Châu Phú luôn chú trọng thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong đó, đặc biệt chú trọng chăm lo, bảo vệ đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, như: Mồ côi, bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, bị xâm hại, lao động sớm…”.
Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền của trẻ em được các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn quan tâm thực hiện, nhằm nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội chung tay cùng các cấp, ngành chăm lo để trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương, từ đó có động lực vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trở thành người có ích.
Các phong trào chăm lo, bảo vệ trẻ em được các cấp, ngành, địa phương của huyện Châu Phú thực hiện rộng khắp. Điển hình như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai đến 100 ấp của 13 xã, thị trấn; trong các tiêu chuẩn, tiêu chí ấp văn hóa, gia đình văn hóa có nội dung bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đã thu hút được hơn 98% hộ gia đình đăng ký thực hiện.
Các mô hình: “Chúng tôi lắng nghe các em nói và hành động”, “Hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện”, “Trợ giúp trẻ em ở cộng đồng”, “Hỗ trợ can thiệp, giảm thiểu trẻ em lao động sớm”, “Đỡ đầu trẻ em khó khăn góp phần hạn chế tình trạng bỏ học”, “Giáo dục cha mẹ nuôi dạy con tốt” được triển khai thực hiện và nhân rộng. Thông qua hoạt động của các mô hình đã lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em và ghi nhận những tâm tư, mong muốn của trẻ để có biện pháp xử lý, giúp đỡ thích hợp.
Nhằm góp phần tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ em, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện phối hợp các đơn vị liên quan xử lý thông tin, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ cho học sinh và niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng bảo vệ trẻ em để kịp thời liên hệ khi cần thiết. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 70 điểm vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em được bố trí tại các trường học và do các hộ tư nhân đầu tư, góp phần tạo không gian văn hóa, vui chơi, giải trí, rèn luyện thể chất bổ ích cho các trẻ. Các lớp dạy võ cổ truyền, dạy bơi cũng được tổ chức thường xuyên để trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đã có nhiều trẻ trên địa bàn huyện Châu Phú phải chịu cảnh mồ côi. Thấu hiểu những mất mát của các trẻ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Phú triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, kêu gọi các cấp, ngành và toàn xã hội phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi.
Trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Qua phát động, đã có nhiều tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu. Điển hình như trường hợp của em Trần Thanh Thanh Nhi (sinh năm 2006) và em gái Trần Thanh Thanh Như (sinh năm 2016) có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, nhiễm COVID-19 qua đời. Hai em được đưa về sống cùng gia đình chị gái tại ấp Bình Chơn (xã Bình Chánh, huyện Châu Phú), cuộc sống rất khó khăn. Thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Phú nhận đỡ đầu 2 em đến năm 18 tuổi… Ngoài nhận đỡ đầu các trẻ mồ côi, có nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài huyện Châu Phú đã hỗ trợ học bổng và những phần quà giúp các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua khó khăn. Ngoài ra, vào Ngày quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu… các trẻ đều được tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích.
Ông Nguyễn Văn Bé Tám cho biết, thời gian tới, huyện Châu Phú tiếp tục tuyên truyền và thực hiện nghiêm các quy định của Luật trẻ em, các nghị định, chỉ thị của Trung ương, tỉnh và kế hoạch của huyện về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhằm tạo sự lan tỏa, tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức liên quan tại địa phương trong phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, phát triển các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia chăm lo, bảo vệ, hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; vận động người dân phát hiện ngăn chặn, tố giác những hành vi: Bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em…
MỸ LINH