Châu Phú nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn

16/04/2020 - 07:25

 - Xác định việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí cơ bản, quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Châu Phú (An Giang) đã huy động tối đa mọi nguồn lực để nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, đến nay đã đạt những kết quả tích cực.

Châu Phú huy động mọi nguồn lực nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn

Đề ra mục tiêu từng bước thay thế cầu gỗ, cầu xuống cấp thành cầu sắt, bê-tông và nâng cấp các tuyến đường chưa đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới để tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, thông suốt, giúp liên kết giữa đô thị và nông thôn, Châu Phú đã xây dựng và ban hành Đề án “Đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2016-2020”.

Theo đó, hàng năm, UBND huyện đều ban hành kế hoạch cụ thể về số cầu, đường cần xây dựng, nâng cấp để các xã, thị trấn tiến hành thực hiện. Việc phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Châu Phú được triển khai theo phương thức tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp cầu, đường trên các tuyến trục chính có hệ thống cầu, đường xuống cấp hoặc chưa đồng bộ và thực hiện tại các xã xây dựng nông thôn mới theo lộ trình. Đồng thời, dựa trên lợi thế 2 tuyến Tỉnh lộ 945 và 947 đã được tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp, xem đây là bước đệm để tiếp tục phát triển hệ thống giao thông của huyện trong những năm tiếp theo.

Với quyết tâm nâng tầm hệ thống giao thông trên địa bàn, Châu Phú đã huy động tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt chú trọng nguồn lực trong nhân dân và từ mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển giao thông - vận tải, cũng như đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, giao thông nội đồng để đáp ứng nhu cầu cộng nghiệp hóa nông nghiệp. Theo đó, các tổ chức hội, đoàn thể từ huyện, xã và các ấp đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy nội lực trong dân.

Vận dụng hiệu quả và thực hiện nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên dù thu nhập của người dân trong huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng khi chính quyền địa phương tổ chức vận động, người dân rất sẵn lòng đóng góp vì các khoản thu đều được sử dụng đúng mục đích và tất cả các công trình phục vụ cho chính người dân. Từ năm 2016 đến nay, người dân đã chung sức đóng góp hơn 80 tỷ đồng, trên 7.000 ngày công lao động và hiến gần 3.400m2 đất trong việc xây cầu, làm đường.

Không chỉ vậy, trên địa bàn huyện còn xuất hiện nhiều tổ, đội tình nguyện đóng góp công sức xây dựng cầu, đường và có nhiều công trình cầu, đường ở nông thôn do nhân dân tự làm. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và sự đồng tình hưởng ứng và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân đã giúp huyện Châu Phú triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2016-2020”.

Về Châu Phú hôm nay, không khó nhận ra sự khởi sắc của diện mạo nông thôn, nhiều tuyến đường mòn, đường đất từng bước được chỉnh trang, nâng cấp láng nhựa, bê-tông; những chiếc cầu gỗ, cầu treo có tải trọng thấp được thay thế bằng cầu sắt, cầu bê-tông cốt thép có tải trọng khai thác cao. Các tuyến đường trục chính được nối đến các tuyến đường liên xã, liên ấp giúp người dân lưu thông dễ dàng, thuận tiện, an toàn, hàng hóa được thông thương, các phương thức vận tải cũng được liên kết, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Đến nay, huyện Châu Phú đã xây dựng được 64 cây cầu các loại, trong đó có 45 cây cầu được xây dựng theo hình thức xã hội hóa và đầu tư nâng cấp 86 tuyến đường, dài trên 222km, trong đó có các tuyến đường trục chính của huyện như: Nam Kênh 10, Tây Kênh 13, Đông Kênh 7, Nam Kênh Đào...”.

Bên cạnh việc xây dựng mới và nâng cấp các công trình cầu, đường, hoạt động kiểm tra, quản lý, khai thác, bảo trì cầu và các tuyến đường giao thông nông thôn cũng được các phòng, ban chuyên môn của huyện thực hiện thường xuyên.

Có thể nói, mỗi công trình cầu, đường được xây dựng, nâng cấp hoàn thành đều đánh dấu mục tiêu vì sự phát triển của quê hương, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp chính quyền huyện Châu Phú đề ra mục tiêu tiếp tục huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh trong dân để thực hiện nhiều hơn những tuyến đường phẳng phiu, những chiếc cầu “nối nhịp bờ vui”, góp phần nâng tầm diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển và hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

MỸ LINH