Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025, huyện Châu Phú đã ban hành Kế hoạch 157/KH-UBND, ngày 31-12-2020 tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất tập trung, kêu gọi đầu tư công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, lĩnh vực trồng trọt có 9 nội dung quy hoạch, lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản có 6 nội dung quy hoạch. Năm 2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và sự đồng lòng của người dân, một số mô hình chuyển dịch và phát triển vùng quy hoạch chuyên canh đạt kết quả khả quan.
Chú trọng phát triển các vùng chuyên canh
Đến nay, trên địa bàn huyện Châu Phú đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: Vùng sản xuất lúa giống nguyên chủng và vùng lúa chất lượng cao ở thị trấn Vĩnh Thạnh Trung và xã Đào Hữu Cảnh có liên kết tiêu thụ sản phẩm; vùng trồng nhãn xuồng Khánh Hòa 200ha; vùng trồng sầu riêng Bình Chánh 70ha; vùng trồng rau màu tập trung Bắc Kênh Đình 516ha; vùng sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Mỹ Phú; vùng nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thạnh Mỹ Tây.
Ngoài ra, còn có 2 vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (thuộc ấp Bình Quới - Bình Thới - Bình Đức, xã Bình Phú) và Công ty TNHH phát triển Lộc Kim Chi (tại ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Phú).
Sản phẩm nhãn xuồng đạt chuẩn OCOP 3 sao
Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, song song với phát triển các vùng chuyên canh, huyện Châu Phú còn gắn vùng chuyên canh với cơ sở chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai liên kết tiêu thụ lúa vụ đông xuân với diện tích trên 5.000ha tại các xã của huyện Châu Phú. Bên cạnh đó, còn có 5 công ty giống lúa đang liên kết sản xuất cung cấp giống trong và ngoài tỉnh với diện tích trên 700ha.
Đối với vùng trồng nhãn xuồng của huyện, đến nay, đã chuyển đổi trên 130ha; hợp tác xã trồng nhãn xuồng có sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Hiện, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật An Giang và các ngành có liên quan đang làm hồ sơ cấp mã số vùng cho 40ha diện tích trồng nhãn liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm nhãn xuất khẩu. Ngoài ra, còn có 2 sản phẩm chế biến nhãn đóng lon và nhãn đóng hộp đang chuẩn bị nhận bàn giao công nghệ chế biến của Trường Đại học An Giang.
Đối với vùng trồng sầu riêng xã Bình Chánh, đã trồng trên 30ha, được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và chuỗi cung ứng an toàn. Hiện, ngành chức năng đang làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng, dự kiến liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu sầu riêng.
Ngoài các vùng sản xuất tập trung có liên kết tiêu thụ sản phẩm, trên địa bàn huyện Châu Phú còn có các công ty, cơ sở chế biến sản phẩm nông sản, như: Công ty TNHH Gia Bảo (xã Mỹ Đức) chuyên sấy trái cây, cơ sở này có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao; Cơ sở khô cá tra phồng Phương Giàu (xã Khánh Hòa) có sản phẩm đạt OCOP 3 sao; Cơ sở sấy trái cây Đại Phát (xã Bình Thủy) và Cơ sở sấy trái cây Như Bình (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung) là cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phát triển cơ sở chế biến để nâng cao giá trị kinh tế của nông sản
Từ những kết quả đạt được trong việc chuyển dịch, phát triển các vùng chuyên canh và gắn vùng chuyên canh với cơ sở chế biến, thời gian tới, huyện Châu Phú sẽ mở rộng các vùng sản xuất tập trung; xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng bảo vệ vườn cây ăn trái, không để nông dân trồng tự phát và phải trồng đúng quy hoạch được duyệt. Đồng thời, cải tạo hệ thống trạm bơm điện kết hợp kiên cố hóa kênh mương nội đồng, đảm bảo phục vụ sản xuất và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
UBND huyện Châu Phú và các ngành chức năng sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực hợp tác xã nông nghiệp, tăng cường các hoạt động “sản xuất chung”, “mua chung”, “bán chung” nhằm gia tăng sự đồng nhất về chất lượng nông sản, giá thành sản xuất, đáp ứng điều kiện về quy mô để phân phối vào các kênh tiêu thụ hàng hóa lớn trong cả nước.
MỸ LINH