Châu Phú phát triển kinh tế từ nông nghiệp

08/05/2020 - 03:46

 - Là huyện thuần nông, Châu Phú (An Giang) luôn tận dụng và phát huy các điều kiện sẵn có để xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả. đồng thời chú trọng mời gọi, thu hút đầu tư hướng đến phát triển những dự án nông nghiệp lớn và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Châu Phú phát triển kinh tế từ nông nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khảo sát các mô hình sản xuất hiệu quả của Châu Phú.

Tận dụng lợi thế cây lúa

Châu Phú có diện tích sản xuất nông nghiệp 39.169ha, đã khép kín đê bao kiểm soát lũ được 42 tiểu vùng, với diện tích 28.808ha. Cũng như các địa phương khác của tỉnh, những tháng đầu năm, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng với quyết tâm tháo gỡ khó khăn của địa phương, hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện tương đối ổn định.

“Vụ đông xuân 2019-2020, Châu Phú xuống giống trên 34.072ha, trong đó cây lúa  31.691ha, năng suất bình quân đạt 7,54 tấn/ha, so cùng kỳ cao hơn 0,15 tấn/ha. Nhìn chung, việc tiêu thụ lúa vụ đông xuân có nhiều thuận lợi, do năng suất và giá lúa tăng so cùng kỳ từ 500-1.000 đồng/kg, giá nếp tăng từ 700-1.300 đồng/kg. Vụ hè thu 2020, Châu Phú đề ra kế hoạch sản xuất 35.594ha (trong đó, lúa 33.323ha), đến nay, nông dân đã xuống giống cơ bản dứt điểm diện tích.

Bên cạnh việc sản xuất lúa theo cách truyền thống, trên địa bàn huyện Châu Phú hiện có 953,2ha diện tích sản xuất lúa tham gia "Cánh đồng lớn" và liên kết tiêu thụ. Trong đó có 28ha sản xuất lúa Jasmine theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Bình Chánh, liên kết tiêu thụ với Công ty Tấn Vương và 925,2ha liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Xuất nhập khẩu Angimex- Kitoku, Hợp tác xã thương mại dịch vụ du lịch nông nghiệp An Giang. Để đảm bảo sản xuất cho nông dân, Châu Phú luôn tranh thủ các nguồn lực để thực hiện các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Năm 2020, Châu Phú được tỉnh phân bổ kinh phí trên 24,6 tỷ đồng để đầu tư thực hiện các công trình thủy lợi. Từ đó, UBND huyện đã tiến hành khép vùng sản xuất tại xã Đào Hữu Cảnh, với diện tích 1.900ha. Hiện, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài nên một số tuyến kênh, mương trên địa bàn bị cạn kiệt, không đảm bảo tưới tiêu, UBND huyện Châu Phú đã đề xuất bổ sung kinh phí thực hiện nạo vét 36 tuyến kênh mương để đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất”.

Hướng đến các mô hình hiệu quả

Cùng với việc hỗ trợ nông dân sản xuất lúa, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú còn tạo điều kiện cho nông dân tham gia những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: trồng rau an toàn, rau muống lấy hạt, măng tây xanh. Trồng măng tây xanh là mô hình mới được nông dân Châu Phú canh tác khoảng 2 năm gần đây, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.

Tổng diện tích trồng măng tây xanh của huyện là 4,5ha, tập trung trên địa bàn xã Bình Thủy, sản phẩm được Công ty Gapfood ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Măng tây xanh có năng suất 13 tấn/ha, giá bán 40.000 đồng/kg, lợi nhuận nông dân thu về khoảng 211 triệu đồng/ha/năm. Đối với mô hình trồng rau muống lấy hạt đã ký hợp đồng với Công ty TNHH nông nghiệp Đại Xương Nguyên và Công ty Vĩnh Phong với diện tích 275,5ha, giá bán theo hợp đồng 29.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 19-28 triệu đồng/ha.

Từ đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đã khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp nhu cầu thị trường. Đến nay, tổng diện tích cây ăn trái của huyện trên 1.212ha, chủ lực là các loại: sầu riêng, nhãn, mít, cam xoàn, cam sành, bưởi da xanh, lợi nhuận các loại cây ăn trái mang lại từ 243 - 568 triệu đồng/ha.

"Nhằm quảng bá và từng bước mở rộng thị trường sản phẩm nhãn địa phương, Châu Phú đã xây dựng thương hiệu và đăng ký tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nhãn của Tổ hợp tác sản xuất nhãn xuồng Khánh Hòa (diện tích 19,45ha/25 hộ) và Tổ hợp tác sản xuất nhãn Mỹ Đức (diện tích 5ha/24 hộ). Để duy trì và phát triển nguồn gen của giống nhãn Mỹ Đức, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nhân giống 1.900 cây nhãn Mỹ Đức từ 110 cây nhãn đầu dòng có chất lượng tốt.

Đến nay, tỷ lệ sống của các cây nhãn Mỹ Đức được nhân giống đạt 89,5% và đã cấp phát cho thành viên tổ hợp tác chăm sóc. Trong tháng 5 này, huyện sẽ tiến hành khởi công Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi sản xuất nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao xã Khánh Hòa" - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Lê Trần Minh Hiếu cho biết.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Châu Phú đã phát triển được mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học trong trại kín có hệ thống làm lạnh, quy mô 1.400m2, số lượng thả 20.000 con. Đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Mỹ Phú, diện tích 8ha.

Trên địa bàn huyện hiện còn có Dự án nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của Công ty Nam Việt Bình Phú, quy mô 600ha, đã chuyển nhượng 500ha đất và đi vào hoạt động. Dự án Khu liên hợp sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao Công ty Lộc Kim Chi tại xã Mỹ Phú, quy mô 350ha, công ty đã giải phóng mặt bằng 86ha, đào ao nuôi cá 56ha, với diện tích mặt nước nuôi 40ha và đang thi công đào ao diện tích 30ha còn lại.

MỸ LINH