Châu Phú tiếp tục xác định nông nghiệp là nền tảng, đồng thời cơ cấu lại sản xuất
“Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, huyện Châu Phú tiếp tục xác định nông nghiệp là nền tảng, đồng thời cơ cấu lại sản xuất gắn với quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo hướng phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật theo hướng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh từ các sản phẩm chủ lực theo cơ cấu “lúa - cá - cây ăn trái - rau màu”. Tiếp tục nâng cao trình độ lao động nông thôn; sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững nhằm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu” - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Lâm thông tin.
Năm 2022, huyện Châu Phú sẽ mở rộng các vùng sản xuất tập trung, như: Vùng sản xuất nhãn xuồng tại xã Khánh Hòa (140ha), vùng trồng sầu riêng tại xã Bình Chánh (30ha), vùng chuyên rau màu tại xã Bình Thủy (260ha), vùng nuôi cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Mỹ Phú (70ha). Hỗ trợ nâng cao năng lực hợp tác xã nông nghiệp, tăng cường các hoạt động “sản xuất chung, mua chung, bán chung” nhằm gia tăng sự đồng nhất về chất lượng nông sản, giá thành sản xuất, đáp ứng điều kiện về quy mô để phân phối vào các kênh tiêu thụ hàng hóa lớn trong cả nước; đồng thời, thành lập thêm 1 hợp tác xã nông nghiệp tại xã Bình Phú.
Đối với khâu đột phá về hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo liên kết vùng, đảm bảo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, huyện sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn kết hợp đê bao điều tiết lũ, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân, đáp ứng thông suốt cho việc đi lại và giao thương hàng hóa. Đẩy mạnh thực hiện đề án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và các công trình xây dựng cơ bản, thủy lợi theo kế hoạch.
Phát huy phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng cầu, đường nông thôn. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Năm 2022, huyện Châu Phú dự kiến thực hiện thủ tục đầu tư và thi công 14 công trình với nhu cầu vốn trên 466 tỷ đồng.
Đối với khâu đột phá về khai thác tiềm năng, quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thương mại - dịch vụ chất lượng, văn minh, huyện Châu Phú sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư khai thác tiềm năng về thương mại - dịch vụ; duy trì và phát triển mô hình chợ trật tự vệ sinh và an toàn thực phẩm. Đồng thời, vận động những hộ dân trồng vườn cây ăn trái tham gia làm du lịch sinh thái tại gia đình. Thực hiện quy hoạch phát triển du lịch gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống, lễ hội đình thần, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nhằm phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Lâm thông tin: “Huyện khuyến khích phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp và từng bước phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích gần kề các khu dân cư, chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống chợ dân sinh tại các xã. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa, tăng cường xúc tiến và kết nối giao thương với các kênh phân phối, hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp”. Hiện tại, địa phương đang rà soát hồ sơ, thủ tục đưa ra đấu giá khai thác đất đối với chợ Cái Dầu, Vịnh Tre, Trung tâm thương mại Nam Kênh Đào để kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tăng cường thông tin, dự báo nhu cầu thị trường đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng, triển khai đề án bảo vệ phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu tập thể, như: Sản phẩm nhãn xuồng Khánh Hòa, nhãn Mỹ Đức và lươn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để định hướng phát triển lâu dài, huyện Châu Phú sẽ hoàn thành công tác lập quy hoạch phát triển chung huyện Châu Phú giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040; quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới của các xã: Mỹ Đức, Mỹ Phú, Ô Long Vĩ, Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú, Bình Chánh, Khánh Hòa, Bình Mỹ, Bình Thủy và ban hành quy chế quản lý đô thị Vĩnh Thạnh Trung.
Đặc biệt, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt 54% dân số trong độ tuổi và kéo giảm 0,7% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2022; chú trọng phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
MỸ LINH