Châu Thành nỗ lực giảm nghèo bền vững

18/03/2022 - 06:20

 - Những năm qua, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững. Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, tạo điều kiện thuận lợi sản xuất - kinh doanh (SXKD), đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, các cấp, ngành huyện còn khơi dậy ý thức vươn lên của người dân, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội (KTXH) phát triển.

Nâng cao đời sống người dân ở vùng nông thôn

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, nhất là ở các địa phương đặc biệt khó khăn, huyện Châu Thành đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo. Trong đó, tập trung tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về công tác giảm nghèo, với hình thức và nội dung ngày càng phong phú. Đồng thời, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng xã hội để thoát nghèo…

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các hội, đoàn thể địa phương đã phát huy tốt vai trò trong việc định hướng, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành Tạ Thị Ngọc Thạch cho biết: “Hàng năm, hội phụ nữ cơ sở tiến hành rà soát số lượng hội viên, phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ, xây dựng kế hoạch giúp đỡ thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Mỗi xã, thị trấn đăng ký giúp từ 2 hộ phụ nữ là chủ hộ thoát nghèo bền vững”.

Hàng năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng. Cùng với hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ thoát nghèo, các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời, tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người dân, với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả và thiết thực, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện lên 50%. Từ những kiến thức được trang bị tại các lớp dạy nghề, tập huấn cùng với các nguồn vốn vay, nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai thực hiện có hiệu quả, giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều địa phương khó khăn trên địa bàn huyện được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin...

Ngoài ra, huyện còn kịp thời khen thưởng, nhân rộng nhiều tấm gương, điển hình, mô hình thoát nghèo tiêu biểu, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng… Nhờ đó, đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 3,66%.

Quan tâm đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Châu Thành Đoàn Hồng Danh cho biết, song hành với việc nâng cao thu nhập, các chính sách an sinh xã hội được địa phương triển khai tích cực, hiệu quả. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng UBMTTQVN các cấp trên địa bàn huyện cùng các tổ chức thành viên đã vận động Quỹ Vì người nghèo, an sinh xã hội gần 25 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện tài trợ tiền và hiện vật gần 25,5 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện và giúp đỡ các gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19…

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Hồ Hữu Tài cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận đa chiều, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Các hộ thoát nghèo, ngoài đạt chuẩn thu nhập theo quy định, phải được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo.

Các ban, ngành, địa phương tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai đến người dân, nhất là những hộ nghèo về các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, để người dân hiểu và đồng tình tham gia thực hiện. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng những mô hình thoát nghèo hiệu quả; triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm cổ vũ, động viên, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và nhân dân về công tác giảm nghèo. Tập trung hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, cách làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…

TRUNG HIẾU