Lúc 12h, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn ở mức 87,7 - 90,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày hôm trước.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 87,7 - 89,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 300.000 đồng/lượng so với kết thúc phiên ngày hôm trước.
Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng tới gần 40 USD/ounce và hiện đang ở mức 2.415 USD/ounce, tương đương gần 74,1 triệu đồng/lượng (nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí). Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gần 16 triệu đồng/lượng.
Mức chênh lệch này giảm 900.000 đồng/lượng so với hôm qua và khoảng 2,5 triệu đồng/lượng so với cùng thời điểm này tuần trước.
Tuy khoảng cách vẫn rất xa nhưng đã được cải thiện rõ rệt, chứng tỏ thị trường vàng đang có diễn biến mới tích cực hơn. Trước kia, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới lên đến gần 20 triệu đồng/lượng, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước liên tục tổ chức đấu thầu để bổ sung nguồn cung vàng miếng ra thị trường, nhằm bình ổn giá.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã giảm khoảng 2,5 triệu đồng so với thời điểm đầu tuần.
Tính từ ngày 19/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 7 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn vàng).
Giới chuyên gia cho rằng số lượng này vẫn chưa đủ để giải nhiệt hoàn toàn thị trường. NHNN cần phải tiếp tục đấu thầu để tăng nguồn cung và tiến tới lâu dài là cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng thì giá vàng trong nước mới tiến tới giai đoạn bình ổn.
Trả lời VTC News, chuyên gia Trần Duy Phương nhận định, số lượng vàng mà NHNN thông qua đấu thầu để đưa ra thị trường mới chỉ đáp ứng ở mức cơ bản. Phải cần thêm vài phiên với khối lượng tương đối nữa thì thị trường mới không còn "khát" vàng SJC.
“Tôi cho rằng phải cần thêm ít nhất 2-3 phiên đấu thầu vàng nữa, với khối lượng cung ứng khoảng 20.000 lượng thì mới giải được cơn khát vàng miếng SJC", ông Phương nói.
Còn theo bà Lê Thị Hằng - Tổng Giám đốc SJC - kể từ năm 2012, khi Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đến nay, SJC không được sản xuất, nhập khẩu vàng nguyên kiện và chỉ được gia công vàng móp.
Việc SJC không được nhập nguyên liệu và không được dập vàng miếng SJC dẫn tới cầu vượt cung. Bà Hằng đề xuất cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh vàng được dập vàng miếng, giúp đa dạng nguồn cung. Đó mới là biện pháp quan trọng để bình ổn thị trường.
"Người dân có quyền mua vàng và đây là quyền lợi hợp pháp, cơ quan quản lý chỉ cần chống đầu cơ, tích trữ", bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, do đặc thù của doanh nghiệp kinh doanh vàng là khi mua về phải bán ngay nên tất cả số lượng vàng đấu thầu thành công phải bán liền cho người dân.
Ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng.
Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 - 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Vào ngày 21/5 và 23/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21/5 và 23/5.
Còn trong thời gian tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp cùng các cơ quan hữu quan quyết liệt triển khai các giải pháp tổng thể và toàn diện theo quy định với mục tiêu xử lý dứt điểm tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế.
Do đó, người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.
Theo CÔNG HIẾU (VTC News)