Chết người vì bẫy chuột

17/09/2024 - 03:20

 - Những năm qua, các cấp chính quyền và lực lượng công an thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nghiêm cấm hành vi giăng điện để bẫy chuột, bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân không nhận thức được sự nguy hiểm của việc dùng điện bẫy chuột. Mới đây nhất, ngày 6/5, Nguyễn Văn Nhã (sinh năm 1979, ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) giăng dây điện đánh, bẫy chuột tại thửa ruộng của Nhã thuê, làm chết 1 người.

Khoảng 19 giờ, ngày 6/5, Nhã điều khiển xe môtô chở con gái 4 tuổi cùng đến đất ruộng thuê trồng lúa (thuộc Kênh 4, ấp Tô Thủy, xã Núi Tô). Khi đi, Nhã có đem theo 1 bình ắc quy hiệu GS, loại bình 70 ampe và 1 bộ kích điện. Đến nơi, Nhã lấy bình ắc quy và bộ kích điện để tại vị trí đất ruộng tiếp giáp với bờ Kênh 4, Nhã dùng dây nóng (còn gọi là pha) của bộ kích điện nối vào dây chì đã giăng bẫy điện trước đó vào buổi sáng trên bờ ruộng trồng lúa; dây nguội (còn gọi là dây trung tính) còn lại của bộ kích điện có gắn thanh kim loại nhỏ dài khoảng 20cm thì nối xuống đất.

Sau đó, Nhã dùng 2 cái kẹp nối với 2 đầu dây dẫn điện trên bộ kích điện, kẹp trực tiếp vào cực âm và cực dương của bình ắc quy để mở nguồn điện xiệt chuột. Dọc theo đường dây xiệt chuột, Nhã có cắm cọc và gắn 8 đèn chớp để cảnh báo nguy hiểm. Sau đó, Nhã chở con đem gửi tại nhà người quen gần nhà Nhã, rồi rước vợ Lê Kim Hảo (sinh năm 1982) chở đến nơi giăng bẫy điện để thu hoạch chuột bị xiệt chết đem bán kiếm thêm thu nhập.

Bị cáo Nhã nghe tuyên án

Thế nhưng, trong lúc Nhã đi về, Nguyễn Văn Quí (sinh năm 1988) và Nguyễn Văn Dĩ (sinh năm 1998) cùng thường trú ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh An (huyện Châu Thành) đi xiệt cá đến khu vực Nhã giăng bẫy điện. Khi đó, Dĩ nhìn thấy có đèn chớp cảnh báo nguy hiểm, biết có người đang xiệt chuột nên nói với Quí: “Anh ơi! Trong đó, người ta xiệt không à, đừng có qua đó”.

Quí trả lời: “Tao biết rồi”. Sau đó, cả hai chia nhau đi theo mương nước để xiệt cá. Khi 2 người đi cách nhau khoảng 50m thì Dĩ nhìn thấy đèn soi đội trên đầu Quí quơ qua, quơ lại rồi đứng yên trong khu vực có đèn cảnh báo nên Dĩ nghi Quí bị dính bẫy điện xiệt chuột.

Dĩ bỏ bình xiệt cá mang trên lưng xuống, rồi cầm cây cần xiệt chạy về hướng của Quí, cách khoảng 3m thì nhìn thấy Quí đang nằm bất động dưới ruộng lúa, bên cạnh là sợi dây chì giăng bẫy điện đang xẹt lửa, nên Quí lấy cây cần xiệt cá đem theo giật đứt sợi dây chì dẫn điện cách nơi Quí nằm khoản 6m, Dĩ hô lớn kêu cứu, rồi cầm cây cần xiệt chạm vào người của Quí kiểm tra thì biết Quí bị điện giật. Dù được những người gần đó tiếp sơ cứu, nhưng Quí đã tử vong.

Ngày 24/5, tại hiện trường nơi xảy ra vụ án, các lực lượng phối hợp thực nghiệm điều tra dựa theo các tình tiết, diễn biến hành vi phạm tội mà đối tượng và người làm chứng khai báo, bị can Nguyễn Văn Nhã thực hiện lại từng động tác giăng điện bẫy chuột. Kết quả, đo dòng điện tại bình ắc quy là 14.2DC, 367AC; điểm cuối, Nhã thực hiện giăng dây kim loại là 353.4AC.

Quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm lời khai của bị cáo Nhã và những người làm chứng trình bày phù hợp diễn biến nội dung vụ án. Bị cáo Nhã còn khai nhận, các thiết bị, đồ xiệt điện bị cáo mua đã qua sử dụng của người khác đem về tự lắp ráp sử dụng, mua thêm dây chì dùng làm dây dẫn điện, chặt cây tre mỗi cây khoảng 25cm, khoảng 200 cây dùng buộc dây chì dẫn điện bẫy chuột và đèn hỏa tiển để cảnh báo nguy hiểm.

Sau khi biết rõ vụ việc, hoàn cảnh gia đình của bị cáo và được gia đình bị  cáo tự nguyện bồi thường 60 triệu đồng nên gia đình Quí làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh quyết định xử phạt bị cáo Nhã 6 năm tù về tội “Giết người” theo Khoản 2, Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Để tránh những vụ án thương tâm từ việc sử dụng điện để đánh bắt cá, bẫy chuột, lực lượng công an các địa phương tiếp tục phối hợp các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, có biện pháp phù hợp để bảo vệ tài sản, mùa màng của gia đình, không gây ảnh hưởng đến môi trường, cũng như tính mạng, sức khỏe của con người trong quá trình lao động, sản xuất.

 

NGUYỄN HƯNG