Chi tiêu không dùng tiền mặt, tại sao không?

17/06/2021 - 08:09

Góp phần đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, dịch vụ công trực tuyến, An Giang đang nỗ lực đồng bộ trong chuyển đổi số thực hiện các thanh toán điện tử (không dùng tiền mặt), ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào các lĩnh vực trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, người dân trong tỉnh tiếp cận công nghệ rất nhanh. 67% người dân đã sử dụng smartphone (điện thoại thông minh), tham gia tích cực vào xã hội số. Cùng với đó, hạ tầng chuyển đổi số cũng khá tốt.

Đây chính là điểm thuận lợi để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh đang tập trung triển khai chương trình Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030. Theo đó, năm 2021, phải có trên 70% người dân sử dụng thiết bị thông minh; đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng bưu chính - cơ sở quan trọng trong phát triển dịch vụ logistics, thương mại điện tử và dịch vụ công của tỉnh. Cùng với đó là triển khai mở rộng phương thức thanh toán trực tuyến trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh; thanh toán không dùng tiền mặt tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Phấn đấu hầu hết công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện thanh toán các dịch vụ công cộng bằng thanh toán điện tử. Đặc biệt, phấn đấu trên 50% các trung tâm mua sắm cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo hầu hết cán bộ, công chức, viên chức thanh toán các dịch vụ công cộng bằng thanh toán điện tử.

Về lâu dài, thói quen tiêu dùng điện tử sẽ giúp người dân nhanh nhạy hơn, hòa nhập tốt hơn với cuộc sống số, đô thị thông minh, chính quyền điện tử…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, nhiều năm nay, các cơ quan đã chuyển hình thức trả lương từ trực tiếp sang trả lương qua tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, cứ theo thói quen, người lao động vẫn cứ đi rút tiền để tiêu xài mà chưa chuyển đổi sang các hình thức thanh toán bằng chuyển khoản khi mua hàng, bằng các ứng dụng thanh toán điện tử. Do vậy, để tiết kiệm thời gian vì phải rút tiền, trao đổi tiền trực tiếp, người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức cần đi đầu trong thanh toán điện tử, nhằm tạo thói quen, tiền đề tốt hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh trong thời gian tới.

Khảo sát qua một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn An Giang, chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều người chưa quan tâm đến việc thanh toán điện tử. Một số người vẫn giữ thói quen rút một lượng tiền nhất định cho các hoạt động trong tuần, tháng, như: thanh toán học phí cho con, đóng tiền điện, nước, đi siêu thị, nhà hàng, dịch vụ làm đẹp... Chị V.T.P (một viên chức ở phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) hay than phiền tình cảnh đôi khi chỉ mang một ít tiền nhưng khi đến siêu thị gặp những món đồ tốt, đẹp, giảm giá lại mua nhiều, đến khi thanh toán không đủ tiền đành cân nhắc bỏ lại bớt món hàng. Một người bạn nghe vậy liền chia sẻ chị P. hãy mang theo thẻ ATM ngân hàng, không cần rút tiền mặt, mà chỉ cần để nhân viên quẹt thẻ, rồi ký tên xác nhận số tiền thanh toán trên biên lai là được. Tìm hiểu thêm về các ứng dụng khác, chị P. đã đăng ký tính năng thanh toán tiền tự động hàng tháng cho các hóa đơn điện, nước, wifi, viễn thông, các loại dịch vụ có liên kết với ngân hàng.

Khách hàng xác nhận khoản thanh toán

Đối với người siêng dùng công nghệ, ứng dụng di động, cảm thấy thoải mái hơn trong các giao dịch, chi trả hóa đơn. Anh Võ Trung Hiếu (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), là người chuyên kinh doanh nhà đất, giao dịch nhiều nên thanh toán điện tử vừa an toàn, vừa tiện lợi. “Trước đây, trong mỗi lần giao dịch, tôi phải đi rút tiền ngân hàng, sau đó mang đến phòng công chứng, đếm lại bằng máy để giao dịch với người bán. Cách làm này tốn nhiều thời gian, đôi khi xảy ra sai sót, cảm giác không an toàn. Nay với internet banking, ứng dụng chuyển tiền nhanh của ngân hàng, tôi chỉ dùng điện thoại chuyển tiền, hạn mức giao dịch khá cao (3 tỷ đồng/ngày). Việc đóng các loại thuế bây giờ cũng vậy, mình có thể chuyển nhanh hơn lúc trước, giúp các thủ tục mua bán được hoàn thành nhanh chóng” - anh Hiếu chia sẻ.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, của nhiều dịch vụ ngân hàng, ví thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến đã làm cho cuộc sống hoàn toàn thay đổi, hướng đến nhanh hơn, tiện ích và an toàn hơn.

NGỌC GIANG