Chia sẻ kinh nghiệm đẩy lùi bệnh lao tại Hội nghị Lao và Bệnh phổi toàn cầu 2023

21/11/2023 - 08:59

“Đoàn đại biểu Việt Nam đóng góp nhiều nghiên cứu có giá trị, thể hiện cam kết của nước ta đối với các hoạt động nhằm đẩy lùi bệnh lao tại Hội nghị Lao và Bệnh phổi toàn cầu năm 2023, do Hiệp hội Bài Lao và Bệnh phổi toàn cầu tổ chức từ ngày 15 - 18/11, tại Thủ đô Paris, Pháp", Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị chia sẻ.

Bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh minh hoạ: AFP

3.000 đại biểu tham dự Hội nghị là đại diện các tổ chức chính phủ, y tế công cộng, các bác sĩ, nhà vận động và người chịu ảnh hưởng của bệnh lao đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là lần đầu tiên hội nghị thường niên này được tổ chức trực tiếp kể từ sau đại dịch COVID-19.

Hội nghị Lao và Bệnh phổi toàn cầu năm 2023 là một bước tiến quan trọng trong chăm sóc sức khỏe phổi nói chung và bệnh lao nói riêng. Ngoài các phiên họp chính, hàng loạt các sự kiện tổ chức bên lề Hội nghị đã thu hút đông đảo các đại biểu tham gia như phiên thảo luận giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Unitaid về cải tiến ứng phó bệnh lao (ngày 11/11); Hội thảo chuyên môn giữa WHO và Stop TB Partnership về phối hợp lĩnh vực công - tư trong chăm sóc bệnh lao (ngày 12/11) và Hội nghị Chiến lược chấm dứt Bệnh lao lần thứ 9 của WHO ngày 13 - 14/11.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, các đại diện từ Việt Nam đã tích cực tham gia các phiên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19. Các bài trình bày đã được đại biểu các nước đánh giá cao.

Việt Nam đã đạt được nhiều  thành tựu trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, tăng cường sàng lọc, mở rộng quy mô dự phòng bệnh lao, giới thiệu các phác đồ điều trị mới được khuyến nghị, chuyển dịch mô hình tài chính và tăng cường hợp tác đa lĩnh vực.

“Đặc biệt, tại hội nghị, Việt Nam cho thấy cam kết mạnh mẽ và vai trò quan trọng của mình trong thử nghiệm vaccine phòng lao  năm 2023”, Tiến sĩ Đinh Văn Lượng thông tin.

Hội nghị là cơ hội để các đại diện từ Chương trình chống Lao Quốc gia và các đối tác chia sẻ những tiến bộ và thành tựu mới nhất của Việt Nam trong ứng dụng các sáng kiến về bệnh lao, với sự hỗ trợ từ Quỹ Toàn cầu (Global Fund), Stop TB Partnership, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S. CDC).

Các thành tựu đáng chú ý của Việt Nam nhận được sự quan tâm của các đại biểu là tăng cường hiệu quả thông báo ca bệnh thông qua mô hình chuyển gửi trung gian với sự tham gia của các cơ sở y tế công, ngoài Chương trình chống Lao Quốc gia và cơ sở tư nhân. Việt Nam đạt tỷ lệ thành công cao trong điều trị lao kháng thuốc nhờ các phác đồ điều trị mới như BPaL; giảm chi phí thảm họa cho gia đình người bệnh với cơ chế hỗ trợ mới; cải thiện quyền lợi và khả năng tiếp cận chăm sóc bệnh lao nhờ ứng dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và máy chụp X-quang lưu động…

Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia nhiều bài trình bày có giá trị ứng dụng tại Hội nghị.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, đoàn đại biểu của Chương trình chống Lao Quốc gia cũng có những buổi gặp gỡ, làm việc và trao đổi cơ hội hợp tác với các đối tác như Đại học UCSF, Đại học Sydney, tổ chức TB Alliance, CHAI…

Theo TTXVN