Chiến lược phát triển ngành công thương năm 2025

19/12/2024 - 07:45

 - Chuẩn bị bước sang năm mới 2025 với nhiều cơ hội mới, thách thức mới, ngành công thương An Giang đã đề ra kế hoạch phát triển với nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trên cơ sở đó, làm tiền đề để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm Ất Tỵ.

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Kinh tế và thương mại toàn cầu có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức cho hoạt động của ngành công thương. Riêng tỉnh An Giang, với lợi thế có nhiều danh lam thắng cảnh; công tác quảng bá du lịch được các ngành, địa phương tăng cường trên nền tảng các mạng xã hội đã thu hút khách đến tham quan. Đây là một trong những nhân tố thúc đẩy thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí tăng trưởng trong năm 2024. Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu tiếp tục khởi sắc khi các Hiệp định Thương mại tự do dần được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn.

Theo Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024, ước tăng 10,42% so cùng kỳ, thấp hơn 1% so kịch bản tăng trưởng 2024 của tỉnh (tăng 11,42%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm ước đạt 111.087 tỷ đồng, tăng 15,65% so cùng kỳ và vượt 9,18% so kịch bản tăng trưởng năm 2024 của tỉnh (101.740 tỷ đồng). Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.220 triệu USD, tăng 3,46% so cùng kỳ và vượt 2,95% so kịch bản tăng trưởng của tỉnh (1.185 triệu USD); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 215 triệu USD, tăng 6,44% so cùng kỳ và đạt kịch bản tăng trưởng của tỉnh (215 triệu USD).

Với những kết quả đạt được, năm 2025, ngành công thương An Giang đề ra mục tiêu duy trì và phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy sản phục vụ nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp khai khoáng... Trong lĩnh vực thương mại, ngành hướng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao gắn với mở rộng quy mô xuất khẩu; mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Mặt khác, thực hiện đa dạng hình thức quản lý chợ, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại. Đồng thời, tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) duy trì thị trường truyền thống, mở rộng và thâm nhập thị trường mới…

Phát triển lĩnh vực công nghiệp

Đồng thời, phấn đấu tăng chỉ số sản xuất công nghiệp lên 11,54% so năm 2024; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 133.000 tỷ đồng, tăng 19,72%. Đối với lĩnh vực thương mại, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1.230 triệu USD, tăng 0,82%; kim ngạch nhập khẩu đạt 225 triệu USD, tăng 4,65% so cùng kỳ. Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, Sở Công Thương tiếp tục triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch đề ra. Tích cực hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; thông tin, quảng bá, kêu gọi DN đầu tư; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp... Tiếp tục hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; kết nối giao thương, mở rộng thị trường; đẩy mạnh thực hiện hoạt động khuyến công; nâng cao chất lượng nguồn điện phục vụ sinh hoạt, hoạt động sản xuất - kinh doanh…

Cùng với đó, tăng cường mời gọi nhà đầu tư xây dựng mới các công trình phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt ở các ngành thiết yếu, khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; phát triển thương mại điện tử, cũng như công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hỗ trợ DN xuất khẩu, giữ vững thị trường truyền thống, khai thác mở rộng thị trường tiềm năng trong các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, khuyến khích phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Tạo điều kiện để các cơ sở, DN kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường, chống rác thải nhựa; hỗ trợ ứng dụng sâu rộng sản xuất sạch hơn và tăng cường tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu…

MINH ĐỨC