Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (phải) phát biểu tại phiên bỏ phiếu tín nhiệm của Hạ viện đối với Chính phủ mới ở Rome ngày 6-6. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trước đó, ngày 5-6, Chính phủ của ông Conte cũng đã giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện với tỷ lệ ủng hộ 171/117 phiếu. Như vậy, với các kết quả bỏ phiếu tín nhiệm nói trên, thế bế tắc chính trị kéo dài ở Italy kể từ cuộc tổng tuyển cử hôm 4-3 đã được tháo gỡ.
Chính phủ liên minh của đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn giờ đây đã có thể chính thức bắt đầu các nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, chính phủ mới dự kiến sẽ đối mặt với nhiều thách thức, cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Ở trong nước, chính phủ mới sẽ phải nỗ lực nhằm thực hiện các cam kết mang tính “dân túy” được đưa ra khi vận động tranh cử như thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế vốn đang trì trệ, giảm thuế, nâng cao đời sống của người dân, giảm bớt tình trạng thất nghiệp, nợ công và thâm hụt ngân sách vốn đang ở các mức cao, củng cố hệ thống ngân hàng vốn đang có những gánh nặng nợ xấu khổng lồ và giải quyết vấn đề người di cư. Nếu không thực hiện được những cam kết này, cử tri Italy sẽ quay lưng lại với liên minh cầm quyền.
Về đối ngoại, việc chính phủ mới ở Italy có quan điểm thân Nga, chống nhập cư, hoài nghi châu Âu sẽ khiến giới chức ở Brussels quan ngại. Mặc dù tân Thủ tướng Italy vừa tuyên bố nước này không có ý định rời khỏi Eurozone, nhưng các chính sách tài khóa mang tính dân túy, cực hữu của chính phủ mới sẽ khiến quan hệ giữa Italy với các nước EU trở nên khá căng thẳng trong thời gian tới. Nguyên nhân là do Italy có thể đề cao các giá trị của nước này và phớt lờ những quy định của EU.
Việc chính phủ mới có quan điểm thân Nga, muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moskva cũng khiến Italy phải khéo léo trong xử lý quan hệ với các nước EU, Mỹ và các đồng minh NATO. Về thỏa thuận hạt nhân Iran, Italy từng là nước ủng hộ thỏa thuận này. Nhưng do Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran, nên các công ty Italy giờ đây sẽ phải quyết định liệu Mỹ hay Iran là thị trường quan trọng hơn đối với họ.
Những diễn biến trên chính trường Italy trong thời gian tới dự kiến sẽ có nhiều bất ngờ và kịch tính do đây là lần đầu tiên một chính phủ dân túy, cực hữu lên nắm quyền ở một nước thành viên sáng lập của EU.
Theo TTXVN/VIETNAM+