Chinh phục núi “rồng nằm”

09/01/2024 - 06:12

 - Núi Dài (Ngọa Long Sơn) là một trong những ngọn núi đẹp nhất vùng Thất Sơn, nằm trên địa bàn của 3 xã: Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và một phần thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).

Một ngày đẹp trời, chúng tôi về vùng Bảy Núi, tiếp tục hành trình chinh phục dãy Thất Sơn huyền bí. Mờ sáng, khi những giọt sương còn đọng lại trên lá, mọi người còn đang say giấc, chúng tôi xuất phát. Qua cầu Cây Me, rẽ trái vào xã Lương Phi, cảnh vật thật yên bình. Xa xa là những ngọn núi cao hùng vĩ, được che phủ bởi màn sương trắng xóa lúc ẩn lúc hiện. Bên dưới là cánh đồng xanh tươi mát, thấp thoáng bóng người trên cánh đồng, rồi khuất dần trong hàng cây thốt nốt cao chót vót…Khung cảnh làm cho chúng tôi như lạc vào “cõi tiên” trong truyện cổ tích. Nhiều du khách vội dừng xe, chụp lại những khoảnh khắc tuyệt vời này.

7 giờ, chúng tôi có mặt trước cổng Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc (xã Lương Phi). Chưa đến đây lần nào nên không rõ đường đi, tôi dừng xe hỏi thăm bà Neang Heng - đang ngồi trước nhà vui đùa với con cháu. “Chú đi đường này, quẹo phải khoảng 2km là đến Ô Tà Sóc” - bà Neang Heng nhiệt tình. Càng vào trong, con đường càng mát dịu, hai bên đường là cánh rừng tầm vông xen lẫn xoài, mít… với gam màu xanh biếc.

Chúng tôi dừng chân ở ngã ba bên chân núi, ngay con đường dẫn lên Ma Thiên Lãnh (còn gọi là Bục Ông Địa). Quán nước của gia đình ông Lê Văn Kéo (62 tuổi) lọt thỏm giữa vườn xoài, xen lẫn với nhiều loại cây ăn trái khác, là chỗ nghỉ chân khá lý tưởng. Nơi đây còn khá hoang sơ, thi thoảng người dân lên núi làm rẫy còn bẫy dính sóc, nhen rừng.

Thấy chúng tôi hỏi đường lên Ma Thiên Lãnh, ông Kéo giục con trai dẫn đi, bởi nơi đây cây cối um tùm, che phủ hết đường đi, dưới chân là lá tầm vông kín lối. Đường lên Ma Thiên Lãnh là những bậc đá quanh co. Xung quanh là tảng đá to có hình dáng kỳ lạ như được “bàn tay siêu nhiên” tạo thành.

Trên đường đi, chúng tôi gặp anh Tuấn và Thiện (tỉnh Đồng Tháp) cũng đi tham quan. Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi rất thích khám phá danh lam thắng cảnh. Nghe nói trên đồi Ma Thiên Lãnh còn hoang sơ, ít ai biết đến. Do đó, tôi quyết định đến đây để được nghe lịch sử hào hùng của ngọn đồi này”.

Leo lên một lúc, chúng tôi mệt lả, phải nghỉ chân từng đoạn. Đến nơi dựng bia tưởng niệm của các chiến sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Kéo kể: “Năm 1991, tỉnh quyết định dựng “Bia tưởng niệm” trên đồi Ma Thiên Lãnh, ghi nhận công lao những người con ưu tú miền Bắc với quân và dân vùng Bảy Núi”. Cúi đầu, chúng tôi thầm biết ơn sự hy sinh của các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Đứng trên đồi Ma Thiên Lãnh, có thể quan sát toàn cảnh rất rõ, như: Xã Lương Phi, vườn cây ven chân núi Dài lớn, đồng lúa Tám Ngàn, đồi Tức Dụp… Trên đường đi xuống, nhiều tảng đá to bị dây leo bám chằng chịt. Ông Kéo cho biết thêm, khu vực này còn nhiều thú rừng, thường xuyên kéo xuống phá phách vườn cây trái của người dân.

Chúng tôi tiếp tục đi theo con đường nhựa nhỏ khoảng 1km để khám phá điện Tàu Cau. Nếu du khách không muốn lội bộ, có thể ngoắc “xe ôm” chở lên tới nơi, giá 20.000 đồng/người.

Anh Đức thúc chúng tôi ngồi thật vững, rồi chạy lốc cốc lên núi. Qua nhiều khúc cua, chúng tôi đến điện Tàu Cau, nơi 4 - 5 hộ dân sinh sống. Chủ yếu họ làm rẫy, trồng cây ăn trái, bán ít đồ rừng để sinh sống qua ngày. Mấy đoàn khách phương xa đang nằm nghỉ trên chiếc võng được người dân trang bị sẵn. Bên dưới một tảng đá to, chúng tôi ngồi cảm nhận không khí mát mẻ, tiếng chim kêu ríu rít, tạo thành bản tình ca giữa núi rừng.

Bà Ngọc Thu (du khách đến từ TP. Hà Nội) cho biết: “Được người quen giới thiệu nơi đây có tảng đá hình dáng giống như cái mo cau, nên tôi vào đây tham quan”.

Bà Sáu Ngoan (du khách hành hương) cho biết: “Tương truyền, ngày xưa nhiều vị thần tiên di chuyển bằng chiếc mo cau khổng lồ đến đây để vui chơi, nghỉ ngơi, rồi để quên lại. Vì vậy, tảng đá có hình dáng giống chiếc mo cau. Người dân lập bàn thờ, hàng ngày thắp hương vái lạy… hình thành cái tên điện Tàu Cau đến bây giờ”.

Rời điện Tàu Cau, chúng tôi men theo con đường nhỏ đã được trải nhựa, nên hành trình đi xuống trở nên dễ dàng hơn. Nơi đây giống như Ma Thiên Lãnh, người dân cũng trồng xoài, tầm vông, mùa mưa thì lấy măng để bán…

Mặc dù còn hoang sơ, nhưng sơn dân vẫn biết vận dụng những gì có trong tự nhiên, phục vụ đời sống của mình. Rời núi Dài, chúng tôi bồi hồi nhiều cảm xúc khó tả, sau hành trình chinh phục ngọn núi nổi tiếng này.

HÀ PHÚC