Chờ mùa lũ mới

17/06/2022 - 06:47

 - Sau Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch), con nước ngoài sông dần pha lẫn sắc đỏ của phù sa, báo hiệu mùa nước nổi đang về với đồng bằng châu thổ. Khi đó, dân câu lưới lại bắt tay chuẩn bị ngư cụ đón chờ mùa lũ mới, thời điểm nguồn thu của họ sung túc nhất trong năm.

Chuẩn bị lọp cua chờ mùa lũ mới

Men theo tuyến kênh Trà Sư (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã thấy ngư dân tất bật với câu chuyện mưu sinh. Nằm trong vùng xả lũ hàng năm nên kênh Trà Sư được dân câu lưới xem là nơi dễ kiếm sống, dù đang trong những tháng mùa khô.

Thoăn thoắt đôi tay cuốn từng đoạn lưới lên khỏi mặt nước, anh Nguyễn Văn Cờ (người dân xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) thoáng để lộ nét trầm ngâm. Anh Cờ cho biết, đã bủa lưới từ 5 giờ sáng cho đến khi nắng đứng đỉnh đầu mà chỉ mới dính chừng 3kg cá hủn hỉn. Với số cá này, nếu đem cân cho bạn hàng vẫn chưa đủ tiền cơm áo hàng ngày của gia đình.

“Hổm nay nước “quay” nhưng cá dưới kênh vẫn chưa nhiều. Hôm trước, cá ngớp nhìn mê lắm nhưng tự dưng mấy bữa nay lặn mất tăm, chắc do đổi con nước. Tui ráng đợi vài bữa nữa, hy vọng cá tôm nhiều lên, chứ kiểu này chỉ đắp đổi qua ngày mà không để dành được đồng nào. Được cái, cá không nhiều nhưng cũng dính lai rai, nếu chịu khó thả lưới nhiều lần thì cũng không lo đói” - anh Cờ cho hay.

Cũng như bao nhiêu người theo “nghề bà cậu”, anh Cờ đã gắn bó với mùa lũ từ thuở còn là cậu nhóc theo cha đi giăng lưới, thả câu, đổ dớn xuyên đêm. Ngày lập gia đình, vì chữ nghĩa ít, điền sản cũng không nên anh lấy con cá, con cua làm kế mưu sinh. Cũng có bận lên tỉnh Bình Dương làm phụ hồ, nhưng từ sau đợt dịch COVID-19, anh quyết định quay lại với dòng kênh Trà Sư quen thuộc.

“Bây giờ nước chưa vô đồng nên tui giăng lưới vòng vòng kênh Trà Sư kiếm ít cá qua ngày. Tới tháng 7 (âm lịch), mình đi vỏ lãi giăng lưới đồng xa. Năm nào cá trúng thì cuộc sống đỡ lắm, mình đủ tiền lo cho con đi học rồi dư dả ăn Tết. Đời tui ít chữ nên dầm nước quanh năm, giờ ráng lo cho tụi nhỏ học chữ để nhẹ nhàng tấm thân sau này. Tui sắm đủ đồ nghề rồi, chờ nước lé đé bờ ruộng thì bắt đầu vô mùa cá mới” - anh Cờ thiệt tình.

Cùng gắn bó với dòng kênh Trà Sư, anh Nguyễn Văn Độ (ngụ xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) đang chuẩn bị cho mùa lũ mới. Mấy ngày qua, anh kêu vợ ngồi vá lại mớ lưới cũ, còn mình bắt tay dựng một cái vèo ven mé kênh.

Thấy tôi thắc mắc, anh giải thích: “Tui cũng sống với con cá quanh năm. Khi thì đổ dớn, lúc lại giăng lưới rồi tới ủ chà bắt cá. Vì con cá bây giờ khan hiếm nên mình đổi đủ kiểu đánh bắt mới đủ nguồn sống cho gia đình. Tui làm cái vèo này để nuôi cá lóc. Bây giờ mình cho ăn thức ăn, tới tháng 7 nước cao, cá mồi nhiều thì mình “phụ họa” thêm. Đến cuối mùa nước thì cân cho bạn hàng. Năm nào thuận lợi cũng êm lắm! Năm nào trung bình thì dư chút đỉnh mà trang trải gia đình”.

Ngư dân kiếm sống cầm chừng để chờ mùa lũ

Anh Độ cho hay, cách làm này đang dần phổ biến, bởi nguồn cá tự nhiên không còn dồi dào nên ngư dân nuôi cá kiểu bán hoang dã cũng là cách “thích nghi” với con nước hiện nay. Tuy nhiên, anh Độ vẫn cứ mong chờ mùa lũ như người bạn thâm niên, bởi mẹ thiên nhiên đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình ngư dân này.

“Hồi tui còn lên mấy cánh đồng giáp biên giới Campuchia đổ dớn thì dính cá nhiều lắm. Bây giờ, mình chủ yếu đánh bắt đồng gần nên cá mắm thất thường. Mà cá ít nên giá bán cao, tui cũng vớt vát được phần nào. Nếu mình chịu “mài”, chắc cũng sống được với cái nghiệp này. Có điều nghề này nó bạc lắm, ráo nước cây dầm thì trong nhà đã muốn hết tiền” - anh Độ bộc bạch.

Thời điểm này, chị Nguyễn Thị Ly (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã bắt đầu ngóng chờ mùa lũ. Từ đầu tháng 4 (âm lịch), chị đã kiểm tra mớ lọp cua được chất kín dưới sàn để xử lý mối mọt, chuẩn bị cho mùa nước sắp tới. Chị Ly cho hay, năm trước chưa đi đặt lọp được vì dịch bệnh phức tạp. Hiện giờ, cuộc sống đã trở lại bình thường nên vợ chồng chị chuẩn bị khăn gói đi đặt lọp đồng xa. Có thể, họ sẽ vô miệt Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) hoặc sang tận xứ Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) để kiếm nguồn cua cá phong phú hơn.

“Mấy mùa trước không đặt lọp cua được nên gia đình khó khăn hơn. Giờ ai cũng trông vô con nước để cải thiện cuộc sống, chứ hiện tại chưa biết phải làm gì. Người đặt lọp không sống được, dân làm lọp cũng nằm chịu trận, đâu buôn bán được gì. Vợ chồng tui đã sửa cái máy vỏ lãi, coi lại đồ nghề, hễ nước ngập đồng là đi đặt cua liền. Nếu cua “chạy” thì cuộc sống của gia đình dễ thở hơn rất nhiều” - chị Ly cho hay.

Dù chưa biết mùa lũ năm nay có “đãi” dân câu lưới hay không, nhưng họ vẫn tất bật chuẩn bị ngư cụ với niềm tin sẽ tích lũy được đồng vô kha khá cho những tháng ngày sắp tới. Có thể nước lũ mỗi năm mỗi khác, nhưng những ai đã sống cùng con cá, con cua vẫn cứ trông chờ vào nó, với niềm tin “bà cậu” vẫn còn thương cái phận lênh đênh!

MINH QUÂN