Từ đó suy diễn vô lối, quy kết cái cá biệt thành phổ biến; thêu dệt hiện tượng thành bản chất… nhằm phủ định sạch trơn những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển của đất nước. Mục tiêu hiện đang tập trung là nói xấu Đảng ta. Tiếp tục công kích điều 4 của Hiến pháp, xuyên tạc “Đảng đang cai trị đất nước” gắn với “độc tài”, “tham nhũng”; “biến các cuộc bầu cử trở thành thị trường mua quan bán chức một cách trắng trợn”, “chức càng lớn thì giá càng cao…”. Tất cả là các “căn bệnh hết thuốc chữa”… Chỉ có thể khắc phục bằng “cải cách chính trị, thực hiện đa nguyên-đa đảng”… Có nghĩa là phải thay đổi chế độ.
Lịch sử đã khẳng định về vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhân dân ta trước sau một lòng theo Đảng. Đảng có vai trò và uy tín ngày càng cao trên chính trường quốc tế. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, trong các Điện mừng gửi Đảng ta, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Shii Kazuo nhấn mạnh: “Việt Nam đang đi trên con đường chưa có tiền lệ là tiến lên CNXH thông qua kinh tế thị trường. Xin chúc sự nghiệp đổi mới của Việt Nam thành công rực rỡ trên tất cả các lĩnh vực”. Điện mừng của Đảng Cộng sản Đức có đoạn: “Cuộc đấu tranh ngày nay vì một Việt Nam hiện đại, nơi đói nghèo và lạc hậu đã được vượt qua, sẽ là một tấm gương cho các quốc gia và các dân tộc đang đấu tranh vì sự tự chủ và hòa bình”. Trong các bức điện, các chính đảng đều đánh giá cao vai trò của Đảng ta trước đây và vai trò trong công cuộc xây dựng đất nước XHCN hiện nay; coi Việt Nam là tấm gương sáng, là nguồn cảm hứng để các đảng tiếp tục đấu tranh vì hòa bình, hợp tác và phát triển của các dân tộc trên thế giới.
Nhằm đảm bảo thật sự trong sạch, vững mạnh, Đảng thường xuyên tự phê bình, tự chỉnh đốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”. Gần đây, Đảng nhiều lần chỉ ra tình trạng tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Không như sự xuyên tạc: “Biết sai nhưng không sửa, thấy bệnh mà không chống”…
Từ đó, chưa có nhiệm kỳ nào như nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng đã ban hành rất nhiều nghị quyết, quy định, chỉ thị… nhằm chấn chỉnh công tác tổ chức - cán bộ; kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng. Quá trình triển khai đã mang lại nhiều kết quả: công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt. Công tác cán bộ là khâu “then chốt của then chốt” được đổi mới mạnh mẽ, đạt một số kết quả quan trọng. Việc chống chạy chức, chạy quyền được coi trọng, có chuyển biến. Công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn; trực tiếp góp phần ngăn chặn, đẩy lùi một bước tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Kiên quyết chống những luận điệu xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng.
S.T