Chủ động các giải pháp đối phó số ca mắc COVID-19 tăng cao

01/12/2021 - 08:12

Trong một tuần qua, số người mắc Covid-19 tại một số địa phương tăng cao, nhất là số người mắc trong cộng đồng. Trước tình hình này, các địa phương đều đã chuẩn bị các kịch bản để xử lý các tình huống, đồng thời khuyến cáo người dân không hoang mang, nhưng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nặng tại Bệnh viện Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: LÊ ANH TUẤN

Nguyên nhân số ca mắc Covid-19 tăng đột biến trong cộng đồng trong những ngày gần đây chủ yếu do tâm lý chủ quan của người dân, tụ tập ăn uống, hoặc tham gia các hoạt động tập trung đông người, nhưng không bảo đảm nguyên tắc “5K”.

Số ca mắc tăng cao

Liên tục trong tuần qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao, hơn 500 ca mỗi ngày, đỉnh điểm là ngày 30/11 với 860 ca. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các chùm ca bệnh trong doanh nghiệp có đông người lao động. Điển hình như Công ty Dong In Entech (huyện Đất Đỏ) có 100 ca; công trường số 28 Thi Sách (TP Vũng Tàu) 58 ca; Công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt 78 ca; Công ty gỗ Thịnh Hoàng (thị xã Phú Mỹ) 38 ca… Một tuần qua, TP Cần Thơ có thêm hơn 6.000 ca mắc mới, trung bình hơn 900 ca/ngày, cao gấp đôi so với tuần trước đó.

Từ ngày 21/11 đến ngày 29/11, Hà Nội ghi nhận 2.267 bệnh nhân, trung bình 284 ca bệnh/ngày, tăng so với tuần từ ngày 14/11 đến ngày 20/11 (trung bình 226 ca/ngày). Riêng ngày 30/11 ghi nhận 468 ca dương tính, trong đó có 274 ca trong cộng đồng, là ngày ghi nhận số ca mắc mới và số ca mắc cộng đồng cao nhất từ khi dịch xuất hiện ở Hà Nội. Đáng lưu ý, 61,8% số ca dương tính là người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 giai đoạn này có xu hướng tăng nhanh, lên tới 14,9%. Dịch bệnh xuất hiện ở cả 30 quận, huyện, thị xã ở Thủ đô. Đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh ở các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp hoặc phát sinh từ các hoạt động tập trung đông người, nhưng không bảo đảm nguyên tắc “5K”.

Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, số F0 có xu hướng tăng trong thời điểm thành phố đang trong giai đoạn “bình thường mới” với việc mở cửa lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như nhiều hoạt động kinh tế-xã hội. Đây là diễn biến đã được thành phố lường trước. Điều đáng lo ngại là số F0 tăng kéo theo tỷ lệ tử vong cũng tăng, chủ yếu ở người hơn 65 tuổi có bệnh lý nền, người chưa tiêm vắc-xin.

Đại diện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp khi chưa thực hiện đầy đủ, triệt để các biện pháp về phòng, chống dịch. Công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa hiệu quả, nhất là việc người dân khai báo y tế khi ra, vào tỉnh chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng một số người vào tỉnh nhưng không thực hiện cách ly y tế đúng quy định, để dịch lây lan trong cộng đồng.

Hỗ trợ tốt nhất cho F0 điều trị tại nhà

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, bất cứ người nào phát hiện bị dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 thì phải nhanh chóng đến trạm y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động để được hướng dẫn cụ thể, được nhận túi thuốc và tư vấn của bác sĩ, nhân viên y tế. Thành phố dự định có cơ chế, chính sách cho lực lượng nhân viên y tế cơ sở có thêm điều kiện hoạt động. Cùng với đó, thành phố sẽ chỉ đạo Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Y tế đưa lực lượng quân y, dân quân trực cùng nhân viên trạm y tế lưu động. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 319 trạm y tế và đã bổ sung 344 trạm y tế lưu động. Để hỗ trợ thêm hệ thống y tế lưu động và các cơ sở y tế, Sở Y tế đã tham mưu và trình UBND thành phố đề án chăm sóc F0 tại nhà có sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân. “TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị kịch bản để xử lý các tình huống khi ca mắc mới tăng cao. Do đó, thành phố đề nghị người dân không hoang mang, nhưng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất quy định của ngành y tế”, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh. TP Hồ Chí Minh cũng thành lập 10 tổ kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để xử lý kịp thời yêu cầu của người dân; đồng thời, củng cố lại đường dây nóng 1022, tái lập hệ thống mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để hỗ trợ tốt nhất cho F0.

Trước tình hình dịch Covid-19 có xu hướng tăng nhanh, lan rộng, phức tạp trên địa bàn, chiều 29/11, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã nhất trí về chủ trương thực hiện quản lý, điều trị, cách ly F0 thể nhẹ, hoặc không có triệu chứng tại nhà khi bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế. Thành phố giao ngành chức năng chuẩn bị sẵn sàng các phương án theo dõi, phân luồng, cơ số thuốc điều trị để hạn chế đến mức thấp nhất số bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố giao chính quyền các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và tổ Covid-19 cộng đồng kiểm tra điều kiện cách ly F1 và điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. Các đơn vị chức năng lên danh sách các hộ gia đình đủ điều kiện. Khi phát hiện F0, cán bộ y tế sẽ xem xét điều kiện, thể trạng bệnh và dựa vào điều kiện gia đình để quyết định điều trị tại nhà hay tập trung. Dự kiến, ngay trong tuần này, Hà Nội sẽ triển khai điều trị F0 tại nhà. Với những F0 là người già, trẻ em, người nhiều bệnh nền, ngành y tế sẽ có chế độ chăm sóc, theo dõi đặc biệt, thường xuyên liên lạc với mục tiêu là giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Phạm Minh An cho biết, kể từ ngày 25/11, tỉnh thực hiện theo dõi, điều trị F0 không có triệu chứng tại nhà và nơi làm việc. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn tiếp tục phối hợp các địa phương khảo sát, bổ sung một số cơ sở sẵn sàng điều trị bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp số ca mắc mới tăng đột biến. Tỉnh đã thành lập hai tổ y tế đặc biệt để hỗ trợ hai địa phương này phòng, chống dịch. Để ngăn chặn tình trạng dịch xâm nhập và lây lan trong các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất đông công nhân, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã xây dựng dự thảo Hướng dẫn tạm thời Phương án phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình số ca F0 tăng cao, TP Cần Thơ tổ chức điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà do các trạm y tế, tổ y tế lưu động phụ trách. Hiện Cần Thơ có hơn 9.000 F0 điều trị tại nhà nhằm giảm tải cho tuyến trên; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin mũi 2 cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền nhằm giảm tỷ lệ tử vong; tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Dương Tấn Hiển cho biết, thành phố đã có văn bản đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Hạn chế tổ chức hoạt động tập trung đông người trong nhà, ngoài trời và tại nơi công cộng; khuyến cáo người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... có từ 100 người lao động trở lên phải thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 để tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch công tác phòng, chống dịch tại đơn vị... 

Theo Nhân Dân