Để giảm thiểu tác hại thời tiết đối với sức khỏe nhân dân, người bệnh và người nhà chăm sóc người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh, ngày 22/12, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành (khu vực từ Thừa Thiên Huế trở ra và các tỉnh Tây Nguyên) tăng cường công tác phòng, chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh.
Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp như các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp… có nguy cơ xảy ra nhiều hơn trong thời tiết giá lạnh. Đặc biệt cần tăng cường tập huấn kỹ năng chẩn đoán, xử trí bệnh đột quỵ, đánh giá tình trạng bệnh và nguy cơ để chuyển viện cứu chữa kịp thời trong “giờ vàng”.
Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm việc phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện: nơi xếp hàng chờ khám, khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, buồng bệnh… cần bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi và phương tiện giữ nhiệt độ phù hợp như yêu cầu của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện 2.0.
Đồng thời thực hiện phòng, chống rét cho người nhà người bệnh hợp lý, không để người nhà người bệnh nằm trên sàn nhà lạnh, hành lang hoặc ghế đá ngoài trời, gây nguy hại đến sức khoẻ.
Các cơ sở y tế phối hợp với các đơn vị thực hiện tuyên truyền cho người dân địa phương về nguy cơ của thời tiết tới sức khoẻ, tăng cường phòng, chống rét đặc biệt các đối tượng người già và trẻ em; nhà cửa được che chắn kỹ, bảo đảm quần áo đủ ấm. Cảnh báo để người dân biết về các tai nạn do sưởi như bỏng lửa, ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.
Theo LÊ HẢO (TTXVN)