Chủ động đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, “lợi dụng nhân quyền” chống phá Việt Nam

08/12/2022 - 19:38

 - Vấn đề nhân quyền đã trở thành tiêu điểm trong cuộc đấu tranh tư tưởng, là mục tiêu các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, nhằm chống phá Việt Nam. Tuy vậy, tình hình nhân quyền tại Việt Nam đang được thế giới nhìn nhận ngày một khách quan hơn, bất chấp nhiều luận điệu xuyên tạc của các thế lực chống phá.

Ảnh: Tư liệu

Các thế lực xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay, gồm: Lực lượng cực hữu, một số nghị sĩ cực đoan tại một số nước phương Tây, các nhóm phản động ở nước ngoài và những cá nhân người Việt bị lợi dụng, núp bóng “ngọn cờ dân chủ”, “nhân quyền” chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam… Thông qua hình thức tuyên truyền về chủ trương, sách lược, phương pháp chống phá, chúng vận động một số thành phần bất đồng chính kiến để bôi nhọ tình hình nhân quyền tại Việt Nam, nhằm hợp thức hóa sự ủng hộ, tài trợ kinh phí, móc nối với bên trong, để thu thập thông tin, tạo cớ vu khống Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.

Các thế lực thù địch sử dụng chiêu trò: Phủ nhận thành tựu, thực tiễn các giá trị lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng về dân chủ, nhân quyền, với những luận điệu kích động vấn đề dân tộc thiểu số; xuyên tạc, vu cáo Đảng, nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc; lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội; khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19… để kích động nhân dân gây mất an ninh, trật tự xã hội...

Thực tế cho thấy, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm quyền con người là vấn đề luôn được Đảng và nhà nước đặc biệt coi trọng, theo nguyên tắc: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo cho tất cả mọi công dân.

Bất chấp những luận điệu xuyên tạc, quốc tế đang có những đánh giá cao về vấn đề nhân quyền Việt Nam - vốn đã đạt những thành tựu “không thể phủ nhận”. Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) lần thứ hai, điều này không chỉ làm sâu sắc thêm sự hội nhập quốc tế, mà còn đem đến cơ hội thúc đẩy hơn nữa quyền con người. "Việt Nam là một đối tác quan trọng của LHQ, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới" - Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định. 

Nhiều chính trị gia và học giả quốc tế đã rất ấn tượng về những thành công mà Việt Nam đạt được sau hơn 35 năm đổi mới, đặc biệt là tấm gương thành công về phát triển kinh tế - xã hội, quyền con người và hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Theo LHQ, chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam liên tục tăng và vào nhóm phát triển con người cao, xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6. Trình bày chuyên đề "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới", Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương lần này khẳng định 8 đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Nhấn mạnh, nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trong đó, vấn đề quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là vừa là bản chất, vừa là mục tiêu của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Quan điểm của Đảng, nhà nước là lấy con người làm trung tâm, bảo đảm quyền con người và phát triển con người toàn diện, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, được tạo điều kiện để phát triển toàn diện. Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước…

Việt Nam đã thể chế hóa đầy đủ và thực hiện đúng đắn cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân; có cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của nhân dân tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, đề cao đạo đức xã hội và trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức; xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đập tan thủ đoạn “lợi dụng nhân quyền” chống phá của các thế lực thù địch.

H.H