Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8/2024, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng tới sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.
AA
Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới, ngày 6/8, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công điện hỏa tốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.
Mưa lớn từng gây sạt lở tại dốc Chó, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu (minh họa): TTXVN phát
Nâng cao tinh thần chủ động
Công điện hỏa tốc của UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động, tập trung hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước; khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét. Đồng thời xác định khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện, sẵn sàng ứng phó, cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra; chỉ đạo tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định.
Các địa phương tổ chức rà soát, xác định khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, nơi bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; những nơi chưa có điều kiện di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; triển khai biện pháp đảm bảo an toàn đối với công trình đang trong quá trình thi công, nhất là công trình đê điều, hồ đập, công trình xung yếu.
Cùng với đó chủ động bố trí ngân sách địa phương triển khai phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc vật dụng thiết yếu khác; không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau bão, mưa lũ, ngập lụt...
Các ngành, đơn vị, cơ quan liên quan có nhiệm vụ dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho cơ quan chức năng và địa phương theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với mưa lũ; chỉ đạo triển khai bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và công trình thủy lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu, hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, công trình đê kè đang thi công dở dang; bảo đảm an toàn tàu thuyền hoạt động thủy sản...
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đảm bảo an toàn cho sản xuất công nghiệp, hệ thống điện, hồ thủy điện; kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời, các đơn vị, địa phương chủ động triển khai bảo đảm an toàn giao thông khi có tình huống thiên tai xảy ra; làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó, hạn chế rủi ro khi xảy ra thiên tai…
“Bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” tại địa phương ven biển
Huyện Diễn Châu có tuyến đê biển với chiều dài gần 25 km, 2 tuyến đê cửa sông dài hơn 22 km và 12 hồ đập, trong đó, có 3 hồ lớn dung tích từ 1,5 - 10 triệu m3. Toàn huyện có 35 xã, thị trấn với hơn 30 vạn dân, trong đó, có 8 xã vùng biển với hơn 1.200 tàu thuyền, bè mảng, khoảng 5.000 người trực tiếp lao động trên biển. Ngoài ra, huyện có hàng trăm hec-ta ao nuôi trồng thủy sản ven biển và hàng ngàn hộ dân sinh sống trong “vành đai” tuyến đê biển.
Hằng năm, Diễn Châu thường xuyên phải gánh chịu những tác động do thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết có nhiều diễn biến dị thường, phức tạp, ảnh hưởng nhất định đến sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân.
Trước mùa mưa bão, huyện Diễn Châu chủ động xây dựng kế hoạch, ưu tiên kinh phí, đầu tư nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; thành lập tiểu ban phòng, chống lụt bão; thường xuyên kiện toàn và duy trì công tác vận hành, bảo vệ, giữ gìn an toàn hồ đập. Đặc biệt, tùy từng vùng đặc thù, địa phương đều tổ chức diễn tập, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa thảm họa như: Diễn tập sơ tán dân vùng xung yếu, ngập lụt đến nơi an toàn; tổ chức cứu hộ tàu thuyền gặp nạn; giúp dân khắc phục hậu quả, xử lý môi trường; cứu trợ sau bão…
Ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, hằng năm, để bảo vệ các xã trọng yếu tránh những thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão huyện tăng cường đánh giá thực trạng, rà soát kịch bản, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai, phương án trọng điểm bảo vệ hệ thống đê sông, đê biển, hàng trăm cầu cống qua đê; chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo theo phương châm "bốn tại chỗ". Đồng thời tổ chức từ 5 - 6 lớp tập huấn, diễn tập kỹ năng phòng, chống lụt bão, di dời người dân vùng xung yếu đến nơi an toàn; cứu hộ tàu thuyền cho người dân vùng biển...
Việc sửa chữa, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai được cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát và xây dựng kế hoạch, ưu tiên đầu tư ngân sách. Từ năm 2023 đến nay, địa phương xây dựng một số công trình trọng yếu như: cống Ông Nhiên (xã Diễn Trung), bờ đập phụ Hòn Gai (xã Diễn Lâm), cống Hói Nghè (xã Diễn Hải)…
Xác định chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, chính quyền các địa phương, người dân thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực xử lý tình huống, ứng phó nhằm giảm nhẹ thiên tai…
Diễn Bích là xã ven biển có diện tích tự nhiên hơn 270 ha với trên 2.680 hộ dân, gần 12.300 nhân khẩu. Kinh tế chủ yếu của người dân là khai thác và chế biến hải sản với hơn 130 tàu, thuyền chuyên đánh bắt xa bờ.
Xã có hệ thống đê bao dài gần 3km, có 3 cống tiêu và bao bọc bởi 2 con sông Diễn Vạn và Diễn Ngọc. Khi có bão và mưa lớn kéo dài, mực nước lên cao, nước thượng nguồn đổ về lớn có nguy cơ tràn và dẫn đến vỡ đê, gây ngập lụt trên diện rộng. Do đó, đầu tháng 5 hằng năm, chính quyền địa phương đều xây dựng kế hoạch, phương án mới để chủ động, ứng phó với thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết, xã đã xây dựng một trung đội phòng, chống thiên tai với 30 thành viên, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh. Theo kịch bản ứng phó với thiên tai, trước khi bão đổ bộ, các tổ, đội xung kích tại xã và 8 xóm chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện phòng, chống thiên tai; kiểm tra hệ thống đê điều; kiểm đếm tàu thuyền và thông báo cho tàu thuyền đang đánh bắt ngoài biển về trú ẩn an toàn. Cùng với đó, lực lượng chức năng giúp dân chằng chống nhà cửa, vận chuyển cơ sở vật chất, di dời đến nơi an toàn...
Khi bão đổ bộ, xã tổ chức trực ban theo quy định và báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời, đề xuất phương án khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Sau khi bão đổ bộ, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi gia đình bị thiệt hại; triển khai khắc phục hậu quả thiên tai…
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: