Chủ động phòng, tránh tai nạn mùa mưa bão

10/08/2018 - 07:17

 - Thời điểm này, An Giang đang trong mùa mưa. Với sự biến đổi phức tạp của thời tiết, người dân cần chủ động phòng, tránh tai nạn nhằm hạn chế thấp nhất các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra…

Cẩn trọng với “bà thủy”

Những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, hàng năm, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra nhiều sự cố, tai nạn thương tâm vào mùa mưa bão. Trong đó, tai nạn đuối nước ở trẻ em là vấn đề luôn được nhắc đến khi mùa lũ về, bởi An Giang là địa phương có nhiều ao, hồ, sông, rạch chằng chịt, là môi trường không an toàn đối với trẻ nhỏ. Ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như: lu, chậu nước… không có nắp đậy cũng gây nguy hiểm cho trẻ.

Phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ đuối nước, trong đó có đến 5 vụ xảy ra trong khoảng 1 tháng gần đây. Các vụ đuối nước chủ yếu ở các địa phương, như: TX. Tân Châu, An Phú, Chợ Mới…

Với tình hình thời tiết và thủy văn trong mùa mưa diễn biến phức tạp, nguy cơ đuối nước xảy ra là rất cao, không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn. Mùa lũ về, dòng nước chảy xiết, nên chỉ cần một phút lơ là, chủ quan hay bất cẩn là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc này.

Vì vậy, các cấp, ngành chức năng đã và đang tập trung tuyên truyền sâu rộng về những nguy cơ tai nạn trong mùa mưa bão, nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội, nhất các bậc cha mẹ trong việc phòng, tránh đuối nước cho trẻ em. Đồng thời, tăng cường việc hướng dẫn, cảnh báo những khu vực nguy hiểm để người dân né tránh, bảo đảm an toàn tính mạng cũng như tài sản.

Để phòng, chống đuối nước, người dân cần lưu ý không đi qua các khu vực ngập nước, chảy xiết trong mùa mưa bão. Đặc biệt, người lớn cần theo sát trẻ em nhằm đảm bảo an toàn trước nguy cơ đuối nước như: theo sát khi trẻ tắm hoặc chơi ở chỗ có nước; không được để trẻ đi tắm, bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm...

Bên cạnh đó, mọi người cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra trường hợp đuối nước. Trong đó, việc dạy bơi là giải pháp hữu hiệu nhất để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ đuối nước. 

Từ nhiều năm nay, các địa phương trong tỉnh không chỉ làm tốt công tác phổ cập bơi trong dịp hè, mà còn đưa bơi lội vào trường học, nhằm nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em và học sinh.

Không chủ quan với “bà hỏa”

Đừng nghĩ trời mưa mà không cháy nhà. Thực tế cho thấy, số vụ sự cố về điện trong mùa mưa bão luôn cao hơn so với các thời điểm khác trong năm. Khi có mưa bão, lũ lụt, hệ thống điện sẽ bị ảnh hưởng. Một số sự cố thường gặp là đứt dây dẫn điện, nghiêng và đổ cột, cháy nổ các thiết bị điện, nước lũ hoặc sạt lở đất cuốn trôi các cột điện. Nếu người dân sơ ý đi vào nơi có lưới điện bị sự cố thì có thể bị tai nạn điện giật. Mặt khác,  khi nước dâng gây ngập thì có thể làm rò điện từ các thiết bị điện ra môi trường xung quanh.

Để phòng, tránh tai nạn điện, đặc biệt trong mùa mưa bão, các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, ngừa tai nạn điện. Ngành điện lực cần tập trung kiểm tra, sửa chữa, củng cố để nâng cao độ tin cậy của lưới điện.

Người dân không lắp đặt dây phơi, giàn giáo, biển quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi đổ, rơi do gió bão có thể va quẹt vào công trình điện. Cần nhanh chóng cắt ngay nguồn điện của gia đình khi có nguy cơ bị ngập nước do ngập lụt. Để tránh nguy cơ điện giật do rò điện, mọi người không chạm đến bất kỳ thiết bị, dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền ẩm ướt.

Khi phát hiện thấy có người bị điện giật, cần khẩn trương tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện bằng cách dùng gậy tre hay gỗ khô. Tuyệt đối không được chạm trực tiếp vào nạn nhân khi chưa tách ra khỏi nguồn điện. Tránh xa những dây điện bị đứt rơi xuống đất và nhanh chóng cứu chữa người bị nạn, đồng thời khẩn trương đưa nạn nhân đi bệnh viện.

Ngoài những tai nạn đuối nước, hỏa hoạn thì trong mùa mưa bão còn có thể gặp phải nhiều tai nạn khác, như: sét đánh, rắn cắn, cây đè... Do đó, người dân cần nâng cao ý thức, cảnh giác trước những mối nguy hiểm, đặc biệt, hạn chế ra đường khi có mưa lớn, giông bão.

 

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU