Chủ động ứng phó hạn, mặn mùa khô 2023-2024

06/02/2024 - 14:58

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 2023-2024 tuy không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020 nhưng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 và 3/2024.

Chú thích ảnh

Đo độ mặn nước trong cống Láng Thé, xã Đại Phước, huyện Càng Long, Trà Vinh (ảnh tư liệu). 

Tại Trà Vinh, để chủ động ứng phó hạn, mặn, bảo vệ tốt diện tích sản xuất và đời sống dân sinh trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp, khó lượng, nhất là hạn hán, mặn xâm nhập địa bàn tỉnh mùa khô này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa phát công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn, hạn hán, mặn xâm nhập; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể.

Các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất nông nghiệp và tuyên truyền, vận động người dân xuống giống đúng lịch thời vụ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; có giải pháp tích trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất khi mặn xâm nhập sâu nội đồng làm các cống đầu mối không thể tiếp nước ngọt. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi Trà Vinh theo dõi sát diễn biến độ mặn để vận hàng các cống đầu mối, không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Ngành nông nghiệp yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi Trà Vinh theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn để vận hành tốt các cống đầu mối; tăng cường trực ban 24/24, thường xuyên kiểm tra độ mặn, tranh thủ lấy nước vào khi độ mặn dưới 1‰ để tích trữ nước phục vụ sản xuất và đóng triệt cống khi độ mặn từ 1‰ trở lên để ngăn mặn.

Theo ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, trước đó, ngay từ đầu mùa khô 2023-2024, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, mặn xâm nhập với nhiều giải pháp. Cùng với việc tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả phòng, chống thiếu nước, hạn hán, mặn xâm nhập, ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chủ động trong ứng phó với tình trạng này; nhất là việc sử dụng nước tiết kiệm, chủ động trữ nguồn nước phục vụ sản xuất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh đã chỉ đạo Chi cục Thuỷ lợi phối hợp với Đài Khí tượng, thuỷ văn tỉnh, Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi Trà Vinh theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thuỷ văn và diễn biến hạn, mặn; tăng cường khảo sát, đánh giá tình hình mặn xâm nhập trên các tuyến kênh rạch chính, kịp thời thông báo cho nhân dân biết để chủ động ứng phó trong sinh hoạt và sản xuất.

Các địa phương cần trục vớt lục bình và nạo vét hệ thống kênh nội đồng để khơi thông dòng chảy, trữ nước ngọt. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuỷ lợi như sửa chữa cống, bọng, nạo vét kênh cấp II để đảm bảo tích trữ, điều tiết, cung cấp nước, hạn chế tình trạng rò rỉ, thất thoát nước.

Trên cơ sở nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ và Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, kết hợp với điều kiện thực tế, ngay từ đầu mùa khô 2023-2024, ngành nông nghiệp đã xây dựng  kịch bản với các phương án ứng phó cụ thể khi cửa sông Cổ Chiên và sông Hậu bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰, đối với trường hợp mặn xâm nhập sâu từ 25-50 km và trường hợp mặn xâm nhập hơn 50 km tính từ cửa sông - ông Răng cho biết.

Huyện Trà Cú là địa phương bị ảnh hưởng hạn, mặn nặng nhất tỉnh những năm qua. Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, mặn bắt đầu xuất hiện trên địa bàn từ tháng 12/2023, với độ mặn khá cao, có thời điểm độ mặn đo được tại một số vàm lên đến 14‰. Theo dự đoán của ngành nông nghiệp địa phương, khả năng tình trạng nước mặn sẽ kéo dài đến tháng 5/2024.

Để bảo vệ hơn 19.000 ha trồng lúa và rau màu vụ Đông Xuân, Xí nghiệp Thuỷ nông huyện tăng cường túc trực, thường xuyên đo độ mặn ở 6 cửa cống trên địa bàn để kịp thời ngăn mặn, tích trữ nước ngọt. Ngoài ra, cùng với nước ngọt của kênh 3/2,  địa phương cũng tích trữ nước ngọt tại 16 cống nội đồng để đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp huyện khi mặn xâm nhập sâu.

Trà Vinh là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị thiếu nước tưới. 

Gần đây nhất là đợt hạn, mặn mùa khô 2019-2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và dân sinh trên địa bàn với tổng ước tính thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng; làm hàng nghìn hộ dân nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt.

Vụ Đông Xuân 2023-2024, đến nay tỉnh Trà Vinh đã xuống giống gần 60.000 ha, vượt kế hoạch hơn  6%, do giá lúa cao, nông dân xuống giống thêm ở các diện tích đất có thể sản xuất 2 vụ lúa.

Theo TTXVN