Khắc phục thiệt hại do mưa giông, lốc xoáy
6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện An Phú xảy ra 1 vị trí sạt lở (thuộc ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội) dài 30m, rộng 2,5m; 3 vụ mưa giông làm sập 1 căn nhà, tốc mái 21 căn nhà (5 nhà bè để ở)... trên địa bàn xã Vĩnh Hậu, Quốc Thái, Phú Hữu, Vĩnh Trường và thị trấn Đa Phước, tổng thiệt hại khoảng 384 triệu đồng…
Điển hình, khoảng 14 giờ ngày 14/7, mưa giông ảnh hưởng 3 căn nhà trên địa bàn xã Vĩnh Hội Đông, Quốc Thái và thị trấn An Phú (mỗi nơi tốc mái 1 căn nhà sàn gỗ, vách mái lợp tole…). Trong đó, căn nhà của bà Phan Thị Ngọc G. (ngụ thị trấn An Phú) bị tốc mái hoàn toàn, nhiều tấm tole bị giông gió bật bay ra đường, mắc trên dây điện. Lãnh đạo địa phương nhanh chóng đến thăm, động viên người dân; yêu cầu huy động lực lượng sớm khắc phục thiên tai, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Thị Phướng đề nghị cơ quan, ban, ngành huyện là thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS huyện, UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục sử dụng tổ chức bộ máy, trang bị phương tiện hiện có để theo dõi, giám sát, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai. Tăng cường theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn về diễn biến thông tin cảnh báo mưa, giông, lũ, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch.
Qua đó, kịp thời thông tin, tuyên truyền đến các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động thực hiện giải pháp ứng phó phù hợp tình hình. Tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm tra tiểu vùng sản xuất, tuyến đê bao, bờ bao, cống bọng trong mùa mưa lũ, sớm phát hiện để có hướng xử lý kịp thời.
Địa phương rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể (lưu ý biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm thiệt hại về người do mưa, lũ, giông lốc, sạt lở đất)…
Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân. Chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện An Phú Phùng Minh Tân trao hỗ trợ người dân có nhà bị ảnh hưởng do giông lốc
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Phùng Thế Vinh cho biết, đơn vị yêu cầu tăng cường kiểm tra công trình thủy lợi, nhất là tuyến đê bao, cống dưới đê để bảo đảm an toàn trong mùa mưa, lũ năm 2024.
Đặc biệt, thường xuyên rà soát cập nhật hiện trạng thủy lợi, các vị trí xung yếu để tham mưu phương án bảo vệ an toàn sản xuất vụ hè thu, thu đông 2024. Tăng cường chủ động thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thực thi pháp luật về chuyên ngành, quản lý tốt nước sạch và vệ sinh môi trường được giao theo phân cấp.
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương quản lý tình trạng vi phạm quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều theo Nghị định 03/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Thường xuyên theo dõi diễn biến thiên tai có thể xảy ra trong kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cùng với đó, quan tâm tình hình mưa dầm, sạt lở đất và mưa giông, lốc xoáy có thể xảy ra trên địa bàn huyện. Cập nhật diễn biến thời tiết, lũ, bão để tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS huyện và đề xuất giải pháp ứng phó phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Bí thư Huyện ủy An Phú Quách Tố Giang yêu cầu Ban Chỉ huy ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS các cấp trên địa bàn huyện thường xuyên theo dõi tình hình dự báo thời tiết, chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, địa phương nâng cao hiệu quả công tác lãnh, chỉ đạo, đảm bảo an toàn đời sống, sản xuất, tài sản của người dân. |
HỮU HUYNH