Chủ động ứng phó thiên tai mùa mưa bão

13/06/2024 - 07:21

 - Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa mưa bão, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh (Ban Chỉ huy tỉnh An Giang) yêu cầu các ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Qua đó, nhằm hạn chế thiệt hại, đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Theo Ban Chỉ huy tỉnh An Giang, năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra các loại hình thiên tai, như: Sạt lở, sụt, lún đất, mưa, giông, lốc sét… với tổng thiệt hại hơn 101,5 tỷ đồng. Trong đó, có 129 vụ sạt lở đất với chiều dài 3.279m, ảnh hưởng đến 39 căn nhà, đường giao thông. Bên cạnh đó, mưa, giông, lốc sét còn làm chết 2 người, 2 người bị thương… Do đó, Ban Chỉ huy tỉnh yêu cầu các cấp, ngành chủ động thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 của tỉnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Trưởng ban Chỉ huy tỉnh An Giang yêu cầu các ngành, địa phương phải tập trung tăng cường khả năng quản lý rủi ro thiên tai. Đồng thời, cần nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, tích cực chỉ huy, điều hình theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ huy tỉnh An Giang tích cực phát huy vai trò đầu mối, điều phối các hoạt động ứng phó thiên tai, trong cả 3 giai đoạn: Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục khi có tình huống xảy ra. Thực hiện vai trò tham mưu công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh; trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện và điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai hàng năm…

Cùng với đó, chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu, đề xuất đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trình UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo phù hợp nhu cầu công tác. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho người dân toàn tỉnh.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy tỉnh An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực tham mưu UBND tỉnh quản lý hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chỉ huy điều hành trên toàn tỉnh. Đồng thời, chịu trách nhiệm chỉ huy ứng phó thiên tai, tham mưu các giải pháp công trình và phi công trình trong công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Luôn đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm nạn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm thông tin: “Chúng tôi đã tổ chức triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trước mùa mưa bão năm 2024. Trong đó, tập trung truyền thông, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; điều chỉnh sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh nhằm ứng phó tốt với diễn biến thời tiết trong mùa mưa bão năm nay”.

“Ban Chỉ huy tỉnh An Giang cũng yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường đảm bảo an toàn về người trong hoạt động giao thông thủy và phòng, tránh sạt lở đất, đá vào mùa mưa lũ. Cụ thể, yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra chủ phương tiện giao thông thủy, người hoạt động sản xuất trên sông, các tàu thuyền du lịch, đánh cá, vận tải và nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện trên sông. Nếu phát hiện, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định quy định an toàn khi tham giao thông đường thủy” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho hay.

Cùng với đó, thường xuyên theo dõi, cập nhật kết quả quan trắc, cảnh báo sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch để thông báo trên hệ thống truyền thông. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực triền núi, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá để sớm cảnh báo người dân, cũng như có biện pháp khắc phục kịp thời…

“Chúng tôi yêu cầu các địa phương có phương án chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn khi có dự báo thiên tai, thời tiết cực đoan có thể xảy ra. Đặc biệt, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, phương tiện và hậu cần tại chỗ song song với  “3 sẵn sàng” là phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả…”- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm thông tin.

Về góc độ địa phương, UBND TX. Tịnh Biên đã chủ động cập nhật lại các phương án phù hợp để ứng phó với các loại hình thiên tai. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức trong người dân, nhất là hộ dân ở các khu vực ven kênh, rạch, khu vực có nguy cơ sạt lở ở vùng núi; phổ biến kiến thức, các biện pháp chằng chống nhà cửa, bảo vệ an toàn về người, tài sản cho Nhân dân khi có thiên tai xảy ra. Thường xuyên củng cố, kiện toàn lực lượng tham gia phòng, chống và ứng phó thiên tai, tổ chức diễn tập nhằm nâng cao khả năng ứng phó trong mọi tình huống…

Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn cho hay: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Tăng cường tập huấn, phổ biến kỹ năng cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và người dân, nhằm chủ động với mọi tình huống xảy ra. Trong đó, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai để ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn về người, tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão hàng năm”.  

THANH TIẾN