Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, cuộc điều trần tại Brussels diễn ra trước một lượng công chúng hẹp nhưng cuối cùng đã được truyền trực tiếp trên Internet dưới sức ép của nhiều đảng phái chính trị châu Âu.
Ông Mark Zuckerberg đã đưa ra lời xin lỗi trước Nghị viện châu Âu vì những sai sót như không chặn được các thông tin sai lệch, bị nước ngoài lợi dụng can thiệp vào các cuộc bầu cử hay để bên thứ ba sử dụng thông tin cá nhân của người dùng với dụng ý xấu. Đây cũng là những điều ông chủ Facebook từng đưa ra trước Quốc hội Mỹ hồi tháng trước.
CEO Mark Zuckerberg tại phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ ở Washington, DC, ngày 11-4. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN
Người sáng lập Facebook thừa nhận trong vài năm qua tập đoàn này chưa làm hết khả năng để ngăn chặn tình trạng những công cụ mà họ đã tạo ra được dùng vào mục đích xấu. Nhưng vẫn còn những câu hỏi liên quan đến cách mà Facebook để xảy ra rò rỉ thông tin dữ liệu người dùng và liệu tập đoàn đã làm đủ chưa để ngăn chặn tình trạng tái diễn các nguy cơ tương tự.
Ông Zuckerberg từ chối trả lời trước Nghị viện châu Âu đối với các câu hỏi cụ thể về việc sử dụng chéo các dữ liệu từ Facebook, về dịch vụ nhắn tin WhatsApp hay việc ngăn chặn các quảng cáo có định hướng. Như từng làm trước loạt câu hỏi từ phía các nhà lập pháp Mỹ, ông Zuckerberg đã đề nghị các nghị sĩ châu Âu được trả lời sau.
Tuy nhiên, ông khẳng định Facebook sẽ tuân thủ các quy định của EU sẽ có hiệu lực vào ngày 25-5 và một lần nữa nhấn mạnh cam kết của công ty tại châu Âu, nơi họ đang có kế hoạch tuyển thêm 10.000 vị trí trong thời gian từ nay tới cuối năm.
Ông Zuckerberg nêu rõ: "Tôi tin tưởng vào những gì chúng tôi đang làm, và khi xử lí những vấn đề này tôi biết chúng tôi sẽ nhìn lại và thấy rằng mình đã giúp kết nối nhiều người dùng và làm cho tiếng nói của họ có sức nặng hơn tại châu Âu cũng như trên toàn thế giới". Ông Zuckerberg cho biết các khoản đầu tư cho an ninh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của Facebook, nhưng sự an toàn của người dùng quan trọng hơn việc tối đa hóa lợi nhuận.
Ông Zuckerberg đã đồng ý gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Nghị viện châu Âu để trả lời các câu hỏi về cách mà hội đồng tư vấn chính trị của Cambridge Analytica lấy được dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook, trong đó có 2,7 triệu người ở EU. Kể từ khi xảy ra vụ bê bối Cambridge Analytica, Facebook đã tạm dừng 200 ứng dụng từ các nền tảng của mình sau khi điều tra các ứng dụng của bên thứ ba có quyền truy cập vào nhiều dữ liệu của người dùng.
Sự xuất hiện của ông chủ Facebook ở Brussels diễn ra ba ngày trước khi những quy định chặt chẽ mới của EU về bảo vệ dữ liệu bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ có thể bị phạt tới 4% doanh thu của mình nếu vi phạm các quy định trên.
Tuy nhiên, một vài quan chức châu Âu muốn có quy định chặt chẽ hơn nữa đối với các doanh nghiệp lớn về công nghệ. Việc tuân thủ của Facebook đối với các quy định mới của EU sẽ được theo dõi chặt chẽ, và đây cũng là nỗ lực nhằm ngăn ngừa sự phát tán những thông tin sai lệch trước khi diễn ra bầu cử các thể chế châu Âu vào năm 2019.
Ngày 23-5, sau chuyến thăm Brussels, ông Zuckerberg sẽ tham gia vào cuộc gặp mặt tại thủ đô Paris của Pháp giữa 50 nhà lãnh đạo của các tập đoàn lớn về kỹ thuật số với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo Báo Tin Tức