Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú: Tấm gương tận tâm, trách nhiệm với đoàn viên

03/08/2022 - 08:44

 - Năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam xét trao giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III cho 10 cán bộ công đoàn xuất sắc trong cả nước. Tỉnh An Giang vinh dự có Chủ tịch Liên đoàn Lao động Nguyễn Thiện Phú đón nhận giải thưởng này...

Trong 2 năm (2020, 2021), ông Nguyễn Thiện Phú đã có 4 sáng kiến, giải pháp nổi bật, gồm: Đổi mới hoạt động công đoàn thích ứng, hiệu quả trong tình hình dịch bệnh COVID-19; Ủy quyền cho Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở xã, phường thành lập công đoàn cơ sở và thu kinh phí công đoàn; LĐLĐ tỉnh An Giang phối hợp cùng Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh đề xuất UBND tỉnh thành lập ”Giải thưởng Tôn Đức Thắng”; Vận dụng sáng tạo mô hình “Sát cơ sở, gần công nhân” đi kèm với phương châm “Ở đâu công đoàn cơ sở khó, có công đoàn cấp trên hỗ trợ”; “Ở đâu công nhân gặp khó, tổ chức Công đoàn có mặt”.

Tại An Giang, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhất là từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống, sinh hoạt của nhân dân, người lao động và hoạt động công đoàn.

Để triển khai “thần tốc” hỗ trợ “3 tại chỗ” cho công nhân lao động tại An Giang, ông Phú chủ động liên hệ với lãnh đạo các cơ quan chức năng để tìm cách khắc phục vướng mắc, chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ xây dựng kế hoạch nhân sự hỗ trợ thủ tục, xử lý hồ sơ, phân công cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp, kể cả trong các ngày nghỉ lễ. Các thành viên tích cực xử lý hồ sơ để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để người lao động được nhận hỗ trợ.

Nhờ vậy, 3.471 đoàn viên, người lao động ở 30 doanh nghiệp trong toàn tỉnh An Giang đã tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, được nhận hỗ trợ đầy đủ, nhanh chóng ngay trước thời điểm cuối cùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở hỗ trợ ”3 tại chỗ” theo chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh An Giang đã sáng tạo vận dụng từ nguồn tiết kiệm chi, Quỹ Xã hội công đoàn... tổ chức đoàn đến thăm hỏi và hỗ trợ dinh dưỡng cho người lao động tại các doanh nghiệp thực “3 tại chỗ”. Tuy mức hỗ trợ chỉ 10 triệu đồng/doanh nghiệp, nhưng đã tác động đến tình cảm lãnh đạo doanh nghiệp, tạo ra hiệu ứng tích cực cho người lao động.

Nhờ đó, dù đang trong tình hình khó khăn, ban giám đốc công ty đã quan tâm, hỗ trợ, tăng lương cho đoàn viên, người lao động. Điển hình: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/tháng; Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm An Giang nâng tiền hỗ trợ ăn từ 90.000 lên 100.000 đồng/người, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang thưởng thêm cho mỗi người lao động “3 tại chỗ” 4 triệu đồng/tháng và tăng thêm cho người lao động ở nhà 1 triệu đồng/tháng...

LĐLĐ tỉnh An Giang còn chủ động xin chủ trương Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai thực hiện hỗ trợ khẩn cấp “Túi an sinh Công đoàn”, gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đang bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kể cả trong doanh nghiệp có tổ chức công đoàn và chưa có tổ chức công đoàn. Theo đó, toàn tỉnh hỗ trợ 18.285 Túi an sinh Công đoàn với tổng kinh phí 3 tỷ 657 triệu đồng (200.000 đồng/túi).

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú còn chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể” để đoàn viên, người lao động được chăm lo, thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách.

Từ những chỉ đạo cụ thể, tập trung nên thời gian qua số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn có thương lượng, ký kết thỏa ước tập thể ngày tăng, năm sau cao hơn năm trước (trong năm 2020 có 86,61% doanh nghiệp ký kết thỏa ước tập thể và đến nay có 99,07% doanh nghiệp ký kết thỏa ước tập thể). Theo đó, nhiều chế độ có lợi hơn cho người lao động được đưa vào thỏa ước thực hiện tại doanh nghiệp.

Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và ngày càng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động công đoàn, ông Phú còn đã chỉ đạo, hướng dẫn LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố xây dựng đội ngũ cộng tác viên thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và thu kinh phí công đoàn đối với đơn vị sản xuất kinh doanh chưa có tổ chức công đoàn.

Với nhiều giải pháp về công tác tham mưu cấp ủy, phối hợp chính quyền, các sở, ngành, doanh nghiệp, thành lập ban vận động, phân công các tổ công tác cơ sở, khảo sát tình hình lao động, tuyên truyền vận động, khen thưởng...

Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh An Giang có tổng số 99.929 đoàn viên/107.824 công nhân, viên chức, lao động đang sinh hoạt tại 1.480 công đoàn cơ sở. Kết quả này đạt 126% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao về phát triển đoàn viên và đạt 100% chỉ tiêu thành lập công đoàn cơ sở doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên.

Đặc biệt,  quan tâm đổi mới, nâng chất lượng hoạt động công đoàn các cấp, ông Nguyễn Thiện Phú đã chỉ đạo phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chương trình hành động số 08-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và Kế hoạch  450/KH-LĐLĐ, của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh An Giang về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến tạp, đã chỉ đạo các cấp công đoàn linh hoạt chuyển đổi hình thức tập huấn nghiệp vụ công đoàn bằng hình thức trực tuyến. Kết quả, các cấp công đoàn đã tập huấn triển khai chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và nghiệp vụ công tác công đoàn cho 4.250 cán bộ công đoàn các cấp…

MỸ HẠNH