Chủ trương, pháp luật toàn diện về phòng, chống dịch COVID-19

01/09/2021 - 06:01

 - Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, xác định “Chống dịch như chống giặc”, Đảng, nhà nước đề ra nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và huy động toàn lực để kiểm soát, kiềm chế dịch bệnh.

Đầy đủ chủ trương, chính sách, pháp luật

Đảng, nhà nước xác định: phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; huy động sự tham gia tích cực, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và toàn thể người dân. Trước hết, tuyên truyền sự nguy hiểm của dịch bệnh, triển khai biện pháp phòng, chống dịch, tạo sự đồng thuận trong cả nước. Tiếp đó, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương đến địa phương với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Ban Chỉ đạo quốc gia đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo có liên quan nhằm chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch trong từng thời điểm cụ thể. Hoạt động phòng, chống dịch bệnh không phó thác cho ngành y tế, mà nhiều lực lượng cùng tham gia: quân đội, công an, ngoại giao, tư pháp, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí… với mục tiêu “vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân”.

Nhằm bảo đảm việc tiếp cận y tế, điều trị bệnh cho mọi người, Bộ Y tế ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A - là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Người mắc loại bệnh này sẽ được khám, điều trị miễn phí. Đây là nỗ lực đầy tính nhân văn trong bối cảnh bệnh nhân điều trị COVID-19 nhiều quốc gia trên thế giới phải tự chi trả chi phí. Nhằm ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, ngày 30-3-2020, Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Hướng dẫn 45/TANDTC-PC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.

Ý thức, trách nhiệm công dân

Những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước đã được ban hành rất đầy đủ, cụ thể. Điều cần thiết hiện giờ là mỗi người dân thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với toàn xã hội. Ngày 27-8, khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói: “Chiến thắng dịch bệnh COVID-19 là chiến thắng của người dân, người dân sẽ quyết định chiến thắng này. Trong cuộc chiến, phải coi mỗi xã, phường, doanh nghiệp là một pháo đài. Mỗi người dân là một chiến sĩ. Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong các pháo đài”. Qua đó cho thấy, việc nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội của mỗi người trong công cuộc chống dịch là sức mạnh, có ý nghĩa quyết định.

Đến nay, đã có nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công sức của cả xã hội, địa phương. Đã có cán bộ tự ý làm việc vô bổ, vi phạm quy định, buộc phải xử lý, trong khi mọi người dồn sức phòng, chống dịch. Trong cộng đồng, còn có người vô tư tập trung ăn nhậu, Karaoke, đánh bạc sát phạt; đưa thông tin giả mạo, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 lên mạng xã hội, tạo dư luận xấu, hoang mang. Do đó, cần giám sát chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu, ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm.

Luật sư Trần Văn Sáu, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang cho biết, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhà nước đã có đầy đủ chủ trương, chính sách, pháp luật. Trong đó, Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm và chế tài trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Mới đây, Sở Tư pháp ban hành “Sổ tay tìm hiểu một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19”. Hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh có nhiều dạng, tùy theo hành vi, mức độ, đều có căn cứ cụ thể để xử lý. Trong đó, hành vi thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh, gây dư luận xấu có thể bị xử phạt đến 30 triệu đồng; hoặc bị phạt tù đến 7 năm. Đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, bị phạt 1-5 năm tù. Người dân cần hết sức cẩn trọng trong mọi hoạt động, phát ngôn, đừng "trả giá" vì sự thiếu hiểu biết của bản thân.

N.R