Do độ “trễ” của văn bản
Ngày 27-5-2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đã ký công văn số 457/UBND-KTN về “Phê duyệt danh sách 334 phương tiện được miễn/giảm phí đường bộ khi đi qua trạm thu phí T2”. Ngay sau đó, một số cơ quan báo chí đã đưa thông tin “An Giang đề nghị giảm 50% giá vé cho 334 phương tiện qua trạm BOT T2”, “Hàng trăm phương tiện được giảm phí qua T2”, có báo còn đưa thông tin “Chốt phương án xe qua trạm BOT T2 trên QL91”…
Trạm BOT T2 tiếp tục xả trạm
Tuy nhiên, khi kiểm tra lại thông tin thì công văn số 457/UBND-KTN là phê duyệt danh sách theo đề nghị của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) An Giang tại văn bản số 812/TTr-SGTVT, được trình từ ngày 16-5-2019, tức là trước thời điểm khánh thành cầu Vàm Cống (19-5), trước khi trạm BOT T2 bị phản ứng quyết liệt (buộc phải tạm dừng thu phí từ ngày 25-5 đến nay).
“Danh sách đề nghị mà Sở GTVT An Giang trình UBND tỉnh phê duyệt là từ tổng hợp, đề xuất của Hiệp hội Vận tải Ôtô An Giang. Tuy nhiên, hiệp hội đề xuất từ ngày 15-5 nhưng đến ngày 27-5 mới phê duyệt là do độ trễ của thủ tục hành chính” - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô An Giang Nguyễn Ngọc Xuân khẳng định.
Ông Xuân cho biết, 334 phương tiện vừa được phê duyệt chỉ là bổ sung thêm, nằm trong tổng số 7.331 phương tiện được giảm giá 50% trên địa bàn tỉnh An Giang. Ngoài ra, còn có 482 phương tiện đã được miễn 100% phí qua trạm.
“Trước đây, khi cầu Vàm Cống chưa khánh thành, hiệp hội tạm đồng ý với phương án miễn, giảm cho phương tiện đi qua trạm BOT T2 rồi rẽ xuống QL80 đi Kiên Giang (không xuống Cần Thơ). Do các phương tiện taxi, xe tải, xe hợp đồng chưa được giảm giá nên hiệp hội mới đề xuất bổ sung ngày 15-5. Đến ngày 24-5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có công văn yêu cầu mở rộng phạm vi miễn, giảm từ bán kính 5km lên 10km xung quanh vị trí đặt trạm BOT T2. Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải Ôtô An Giang không đồng ý phương án giảm giá nên từ ngày 25-5 đến nay, chúng tôi không đề xuất giảm giá thêm cho bất kỳ phương tiện nào” – ông Xuân khẳng định.
Cần công bằng và hợp lý
Việc một số báo đưa thông tin An Giang “chốt” phương án xe qua trạm BOT T2 trên QL91 là chưa chính xác, bởi trạm này đặt trên địa bàn TP. Cần Thơ, do Công ty Cổ phần Đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang làm chủ đầu tư, phương án thu phí do Bộ GTVT phê duyệt.
“Việc bổ sung thêm 334 phương tiện giảm giá 50% qua trạm thu phí T2 là theo đề nghị trước đó của Sở GTVT (từ trước khi thông xe cầu Vàm Cống). An Giang không đề xuất phương án miễn, giảm phí như trước đây mà đề nghị chỉ thu theo đúng thực tế quãng đường sử dụng (300m/45km BOT trên QL91, PV)” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng khẳng định với phóng viên Báo An Giang sáng 30-5.
Nếu thu phí trở lại, trạm BOT T2 có thể sẽ gây cảnh ùn ứ khi yêu cầu “xài bao nhiêu, trả bấy nhiêu” không được đáp ứng
“Xài bao nhiêu, trả bấy nhiêu” là ý kiến của hầu hết tài xế, chủ phương tiện, doanh nghiệp khi được hỏi về phương án thu phí đối với trạm BOT T2. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô An Giang Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, ông đã thống nhất với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang Nguyễn Thanh Việt, tiếp tục kiên trì đề xuất 1 trong 3 phương án là: thu phí theo cự ly tham gia (chỉ thu bằng 5% giá vé theo mức phí Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã quy định về trạm thu phí không dừng đối với phương tiện qua trạm T2 rẽ xuống QL80 để lên cầu Vàm Cống hoặc xuống Kiên Giang); dành hẳn 2 làn phương tiện đi và về Long Xuyên - cầu Vàm Cống được miễn phí hoàn toàn; hoặc di dời trạm T2 do đã đặt sai vị trí.
“Ngay cả 482 xe được phê duyệt miễn phí 100% cũng sẵn sàng trả 2.000 đồng để qua trạm T2. Chúng tôi yêu cầu trả đúng số tiền sử dụng quãng đường chứ không “xin” miễn, giảm” - ông Xuân nhấn mạnh.
Ngày 30-5, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, những bất cập của trạm BOT T2 là một trong những vấn đề “nóng” tại nghị trường. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) cho rằng, người dân đang hoài nghi, “thiếu niềm tin” vì chuyện “đặt sai vị trí” của trạm BOT T2.
“Cách đây vài ngày, người dân kéo đến trạm BOT T2 phản ứng về cách thức thu phí không hợp lý. Những bất cập của trạm thu phí này đã làm giảm ý nghĩa của cầu Vàm Cống, một công trình có ý nghĩa to lớn đối với ĐBSCL” - đại biểu Hiếu phân tích.
Cho rằng nguyên nhân vấn đề là vì sự tắc trách của một bộ phận cũng như cách thu phí, ông Hiếu đề nghị cần phải có giải pháp để sớm xử lý trạm BOT T2 đảm bảo sự công bằng, tạo đồng thuận cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy ĐBSCL phát triển.
Ghi nhận sáng 30-5, trạm BOT T2 vẫn tiếp tục dừng thu phí, duy trì xả trạm tự do từ chiều 25-5 đến nay. Một lãnh đạo trạm cho biết, vẫn đang tiếp tục chờ chỉ đạo về giải pháp thu phí đối với trạm này
|
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN