Chưa hòa giải ở cơ sở vì thiếu giấy ủy quyền

22/10/2018 - 07:31

 - Nhiều lần khiếu nại đến xã nhưng không được giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất, bà Hồ Thị Dạn (ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, An Phú) gửi đơn đến Báo An Giang nhờ can thiệp.

Theo bà Dạn, lúc sinh thời, ông Hồ Văn Chệt (cha bà) được ông, bà phân chia 18.000m2 đất nông nghiệp (tọa lạc tại ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu) sản xuất lúa mùa nổi 1 vụ/năm. Sau giải phóng, Nhà nước có chủ trương làm lúa ngắn ngày, gia đình bà phải san bằng đất, đắp bờ phân ô sử dụng.

Tuy nhiên, do đất có những phần gò cao mọc nhiều cây dại, nên việc khai mở đất tốn nhiều công sức, chi phí. Gia đình bà khai mở dần diện tích để sản xuất lúa được hơn 15.000m2 (đã kê khai đăng ký đất), phần còn lại tiếp tục khai hoang, cải tạo và đăng ký sau.

Năm 1976, ông Chệt qua đời. Năm 1978, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, gia đình bà Dạn di tản đi nơi khác sinh sống. Đến năm 1980, họ hồi cư và phục hóa lại đất canh tác. Thời gian này gia đình gặp khó khăn, bà Ngô Thị Nhi (mẹ bà Dạn) sang nhượng 15.000m2 đất ruộng này cho vợ, chồng ông Nguyễn Văn Lừng và Lê Thị Mỹ Hai.

Chưa hòa giải ở cơ sở vì thiếu giấy ủy quyền

Bà Hồ Thị Dạn trình bày vụ việc

“Thay vì đo đạc thực tế phần đất, vợ, chồng ông Lừng nói với mẹ tôi rằng “căn cứ giấy đất tính tiền, sau khi đo đạc lại nếu có thừa sẽ trả thêm tiền phần đất thừa đó”.Mẹ tôi đồng ý, làm giấy sang nhượng nhận đủ tiền 15.000m2 đất cho vợ, chồng ông Lừng.

Thế nhưng, vợ, chồng họ lại làm giấy sang tên hết cả 18.000m2 của chúng tôi. Nhiều lần mẹ tôi yêu cầu đo đạc lại để trả thêm tiền, nhưng họ chần chừ không thực hiện. Sau khi mẹ tôi qua đời (năm 1999), tôi tiếp tục khiếu nại yêu  cầu vợ, chồng ông Lừng đo đạc lại, phần đất thừa trả lại cho tôi sản xuất. Vợ, chồng ông Lừng đồng ý, cho rằng “đã đo đạc lại rồi, chỉ thừa khoảng hơn 800m2”.

Thực tế, diện tích phải nhiều hơn mới đúng. Nói vậy nhưng vợ, chồng ông Lừng vẫn không trả tiền phần thừa này cho tôi. Tôi khiếu nại đến UBND xã, huyện nhưng vụ việc kéo dài cho đến nay chưa được giải quyết. Kính mong các cấp thẩm quyền sớm giải quyết, buộc vợ chồng ông Lừng trả lại phần đất thừa (hoặc trả bằng tiền theo thời giá hiện tại) cho tôi”- bà Dạn bức xúc.

Phía bà Lê Thị Mỹ Hai cho rằng: “Tôi mua đất trực tiếp của bà Nhi hơn 20 năm nay, đã sử dụng ổn định, diện tích hơn 16 công. Nhưng thực tế, khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan chức năng đo đạc như thế nào tôi không biết, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện tại ghi nhận diện tích 17 công.

Phần dư mấy trăm mét này không phải của gia đình bà Dạn, mà là đất Nhà nước. Lúc làm lộ trên toàn tuyến kênh mương này, hộ nào cũng san đắp đất cho tương đương ngang mặt lộ để dễ sử dụng. Do vậy, bà Dạn yêu cầu tôi trả đất cho bà là không có sơ sở, vì tôi không mua đất của bà. Phần đất thừa, khi nào Nhà nước trưng dụng, tôi sẽ hoàn trả. Tôi mong chính quyền địa phương sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, để không phải bị mời làm việc tới lui vì khiếu kiện vô cớ của bà Dạn”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Phú Hữu cho biết: năm 2012, UBND xã tiếp nhận khiếu nại tranh chấp đất của bà Hồ Thị Dạn đối với vợ, chồng ông Nguyễn Văn Lừng, Lê Thị Mỹ Hai. Địa phương đã mời đôi bên đến hòa giải nhưng không thành, hướng dẫn đương sự có quyền khởi kiện ra tòa án. Sau thời gian khá lâu, mới đây UBND xã tiếp tục nhận đơn khiếu nại của bà Dạn. Ngày 21-9-2018, địa phương mời bà Dạn đến ghi nhận vụ việc, được bà Dạn cho biết sự việc như trên.

Gia đình bà Dạn có 6 anh, chị em (hiện nay đã chết 4 người), nên địa phương hướng dẫn, đồng thời yêu cầu bà Dạn cung cấp bổ sung giấy ủy quyền của những người còn lại (đồng thừa kế, kể cả con của những người đã chết) đồng ý ủy quyền cho bà Dạn đứng ra khiếu nại. Có như vậy mới đủ cơ sở hòa giải theo quy định. Hiện nay, bà Dạn chưa bổ sung theo yêu cầu, nên địa phương chưa thể tiến hành hòa giải theo quy định.

Bài, ảnh: K.N