Chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

12/08/2020 - 21:25

 - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang vừa hoàn thành giám sát theo kế hoạch của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng Quốc hội về giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, giai đoạn 2015 - 2020.

Theo UBND tỉnh, từ nghị quyết của Quốc hội, UBND tỉnh đã thể chế hóa thực hiện bằng các kế hoạch và quyết định nhằm chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nhất tại địa phương, tập trung thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội. Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát lại đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong ngành GD&ĐT; điều động, thuyên chuyển viên chức đảm bảo điều hòa số lượng giữa đơn vị thừa và đơn vị còn thiếu. Xây dựng đề án tổng thể về tiếp tục đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đối với các đơn vị trực thuộc huyện, thị xã, thành phố.

Tỉnh đã rà soát, đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch, lộ trình sửa chữa, nâng cấp bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 và sẵn sàng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

Nhiều đơn vị trường học được quan tâm sửa chữa, nâng cấp

Nhìn chung, hiệu quả mang lại của các Nghị quyết Quốc hội đối với giáo dục phổ thông là cơ sở vật chất, thiết bị ngày càng được đầu tư, xây dựng, cải tạo, sửa chữa, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và chuyên môn, từng bước đáp ứng tốt cho giai đoạn cách mạng khoa học công nghiệp 4.0. Sắp xếp lại mạng lưới trường lớp phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, đến lớp. Các cơ sở giáo dục tự chủ hơn trong việc lựa chọn SGK phù hợp với đối tượng người học.

Tuy nhiên qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng nhận thấy, công tác đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới chương trình, SGK hiện nay. Nhiều phòng học đã xuống cấp, thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn. Đó là do đơn vị trường học chưa chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, đổi mới tư duy trong điều hành và theo dõi tổ chức thực hiện, nhất là thực hiện tự chủ về tài chính, chuyên môn. Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chưa có khả năng triển khai hết các dự án chuẩn bị đầu tư; cơ chế chính sách, quy trình thực hiện trong thủ tục đầu tư còn bất cập, không phù hợp tình hình thực tế.

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị Quốc hội quan tâm quản lý chặt chẽ giá SGK để không ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người dân và việc đi học của học sinh. Đối với Chính phủ, quan tâm cải cách chế độ tiền lương, nên ưu tiên xứng đáng cho đội ngũ nhà giáo để họ yên tâm công tác, tạo động lực cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Đối với Bộ GD&ĐT, sớm có hướng dẫn cụ thể để địa phương chủ động hơn trong việc cơ cấu, phân bổ các nguồn vốn lựa chọn các mục tiêu ưu tiên đầu tư; giao nhiệm vụ, hướng dẫn việc tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có nhằm đảm bảo giảng dạy hiệu quả các môn học theo chương trình SGK mới, nhất là các môn ghép, các môn học mới.

Về phía tỉnh, cần tiếp tục triển khai thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú; Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường THPT chuyên tỉnh An Giang giai đoạn 2013-2020…

Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo kế hoạch, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên của từng môn học, lớp học, cấp học; sắp xếp, kiện toàn mạng lưới cơ sở giáo dục; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học. Đặc biệt, ưu tiên bố trí ngân sách, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án kết hợp với huy động nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới.

UBND tỉnh ban hành quyết định về tiêu chí chọn lựa SGK, qua đó làm cơ sở để các trường lựa chọn SGK lớp 1 sử dụng trong năm học 2020-2021 phù hợp với cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, chỉ chọn lựa sách theo danh mục sách do Bộ GD&ĐT thẩm định và công bố; tuân thủ 4 bước quy trình lựa chọn SGK lớp 1. UBND tỉnh đã giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan biên soạn chương trình khung và đề cương chi tiết nội dung giáo dục địa phương, tập trung vào những vấn đề cơ bản (về văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị, xã hội, môi trường…) của An Giang; lấy ý kiến các ngành, địa phương; đang biên soạn tài liệu dạy và học địa phương đối với lớp 1, hoàn thành, thẩm định và trình bộ phê duyệt, đưa vào sử dụng trong năm học mới.

 

 GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích