Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành hai đợt.
Đợt họp thứ nhất (từ 20-30/10/2021) được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trong 11 ngày, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về kết quả của đợt họp thứ nhất.
- Xin ông đánh giá khái quát về những kết quả nổi bật đã đạt được trong đợt họp thứ nhất của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV?
Ông Bùi Văn Cường: Như chúng ta đã biết, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong thời điểm đặc biệt, khi cả nước trở lại trạng thái “bình thường mới” sau hơn 4 tháng phải căng mình chống chọi với đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ. Kỳ vọng về các giải pháp phục hồi kinh tế- xã hội, trở lại nhịp sống bình thường là điều được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm.
Sau 11 ngày làm việc trách nhiệm, tích cực, tập trung, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, đợt họp trực tuyến đầu tiên của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã kết thúc tốt đẹp. Các phiên họp diễn ra thông suốt, hiệu quả, các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, an ninh, an toàn kỳ họp được đảm bảo… Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kỷ cương lập pháp có nhiều tiến bộ, tài liệu gửi đến Quốc hội sớm hơn, được chuẩn bị kỹ lưỡng đa dạng, các cơ quan của Quốc hội có nhiều thời gian hơn để thẩm tra.
Do đó, các thẩm tra rất chất lượng, gợi mở nhiều vấn đề thảo luận, báo cáo trình bày trước Quốc hội đều bảo đảm ngắn gọn, xúc tích. Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao và cơ bản đồng thuận với các nội dung thẩm tra.
Công tác chuẩn bị, tổ chức điều hành từ đầu kỳ họp diễn ra tốt đẹp. Chương trình sắp xếp khoa học, hợp lý, tận dụng tối đa thời gian. Nhiều đại biểu Quốc hội mới đã tích cực, có sự chuẩn bị và nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung. Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch linh hoạt, ngắn gọn, súc tích.
Nổi bật tại kỳ họp lần này là công tác tổng hợp ghi biên bản ý kiến đại biểu Quốc hội có nhiều đổi mới. Để phục vụ công tác giải trình, tiếp thu bước đầu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉ đạo khẩn trương tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ để gửi tới các Cơ quan soạn thảo phối hợp với các Cơ quan thẩm tra có báo cáo giải trình, dự kiến tiếp thu bước đầu.
Các cán bộ phụ trách phát huy tinh thần trách nhiệm, khẩn trương không quản ngày đêm để có báo cáo nhanh với chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, tài liệu kỳ họp cơ bản đầy đủ, được cập nhật theo buổi họp tại mục Văn kiện tài liệu trên App Quốc hội, đồng thời gửi qua hệ thống e-Office và cập nhật trên Trang thông tin nội bộ Intranet của Văn phòng Quốc hội.
Thứ hai, kỳ họp được tiến hành theo đúng chương trình đã đề ra. Theo đó, tại đợt thứ nhất, Quốc hội đã tiến hành phiên khai mạc, nghe trình, thảo luận ở Tổ và trực tuyến tại hội trường về 7 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết; các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, công tác tư pháp; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13. Không khí thảo luận trực tuyến tại Tổ và Hội trường sôi nổi, ý kiến toàn diện, sâu sắc nhiều chiều.
Tại các Tổ ở địa phương, việc mời cơ quan chuyên môn tham dự phiên thảo luận, góp ý kiến đối với các nội dung của kỳ họp đã tạo điều kiện lấy thêm ý kiến góp ý từ phía cử tri, góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết, tăng cường tính công khai, minh bạch, mở rộng dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.
Thứ ba, công tác thông tin tuyên truyền được triển khai bài bản, chặt chẽ, góp phần tuyên truyền rộng rãi tới đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về những vấn đề được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp cũng như cách thức tổ chức kỳ họp; về đổi mới, cải tiến trong việc tổ chức kỳ họp, nhấn mạnh tiếp tục rút ngắn thời gian làm việc tại kỳ họp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt nhất...
Các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đã dành nhiều thời lượng, vị trí trang trọng để đăng tải tin, bài, hình ảnh nhằm phản ánh toàn diện, đậm nét và sâu rộng về chương trình nghị sự kỳ họp.
Vụ Thông tin, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh và Đài Phát thanh Truyền hình các tỉnh, thành phố, bảo đảm triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền sâu rộng, toàn diện, cung cấp kịp thời thông tin...
Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có sự phối hợp tốt với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế. Trong đó, ba đợt xét nghiệm SARS-CoV-2 (ngày 13/10, ngày 18,19/10 và ngày 30/10/2021) đã được tổ chức triển khai; mua khẩu trang cấp, phát cho đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và khách mời tham dự kỳ họp. Các địa phương đã triển khai nghiêm túc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Văn phòng Quốc hội.
Bên cạnh đó, các hệ thống kỹ thuật phục vụ kỳ họp cơ bản hoạt động ổn định và an toàn. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn, trang trí khánh tiết trong và ngoài Nhà Quốc hội được thực hiện đầy đủ, đúng quy định…
- Là đợt họp diễn ra trực tuyến, yếu tố kỹ thuật có vai trò quan trọng để đảm bảo Quốc hội hoạt động thông suốt, hiệu quả. Văn phòng Quốc hội đã triển khai như thế nào và kết thúc đợt thứ nhất, ông đánh giá công tác này đã đảm bảo yêu cầu đặt ra hay chưa, cần rút kinh nghiệm gì để hoạt động tốt hơn nữa?
Ông Bùi Văn Cường: Để đợt họp trực tuyến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 diễn ra thông suốt, hiệu quả, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan thiết lập và thường xuyên tổ chức nhiều lần kiểm tra kỹ thuật Hệ thống Hội nghị truyền hình tại Nhà Quốc hội và 62 Đoàn đại biểu Quốc hội để phục vụ họp trực tuyến; phối hợp hoàn thiện tính năng biểu quyết bằng phần mềm cài đặt trên thiết bị iPad tại phiên họp trù bị; phục vụ đại biểu Quốc hội thực hiện thành công hai lần biểu quyết tại phiên họp trù bị (lần lượt có 426 và 443 đại biểu tham gia biểu quyết tại Hội trường Diên Hồng và các điểm cầu tỉnh/thành phố). Tính năng thống kê số đại biểu đăng ký phát biểu theo Đoàn đã kịp thời được nâng cấp để hỗ trợ Chủ tọa điều hành.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Văn phòng Quốc hội phối hợp bố trí nhân sự hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho đại biểu Quốc hội tại Nhà Quốc hội, bố trí bàn thường trực kỹ thuật tại 3 cửa vào/ra của phòng họp Diên Hồng và phòng trực 3.A5; phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam bố trí 1-2 cán bộ kỹ thuật hỗ trợ tại 62 điểm cầu ở địa phương.
Kết thúc đợt thứ nhất, các hệ thống kỹ thuật phục vụ kỳ họp cơ bản hoạt động ổn định và an toàn, có một vài tình huống kỹ thuật phát sinh đều nằm trong tầm kiểm soát và kịp thời xử lý; hệ thống wifi hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ các điều kiện kỹ thuật bảo đảm phục vụ Quốc hội họp trực tiếp đợt 2 của kỳ họp.
- Từ những kết quả đạt được trong đợt thứ nhất diễn ra trực tuyến, theo ông, hình thức này có nên tiếp tục duy trì trong các lần họp sau của Quốc hội, khi chúng ta chung sống an toàn với dịch bệnh?
Ông Bùi Văn Cường: Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã quyết định tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung. Hình thức họp trực tuyến thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó đến nay, căn cứ trên tình hình thực tế, tại một số kỳ họp, Quốc hội vẫn duy trì hình thức họp kết hợp này; trong đó, việc họp trực tuyến vẫn tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về kỳ họp Quốc hội.
Tại đợt thứ nhất của Kỳ họp thứ 2, dù là họp theo hình thức trực tuyến nhưng chất lượng của các phiên họp không hề kém hiệu quả mà thậm chí, theo đánh giá của nhiều đại biểu, chất lượng còn được nâng cao hơn trước, các ý kiến đóng góp thấu đáo, sâu sắc, thể hiện sự dày công nghiên cứu.
Đây cũng là phiên họp trực tuyến đầu tiên đạt được những con số ấn tượng về các ý kiến đóng góp tại hội trường và thảo luận tại Tổ đối với mỗi nội dung được xin ý kiến. Có thể thấy, với sự chuẩn bị chu đáo của Văn phòng Quốc hội, việc triển khai họp bằng hình thức trực tuyến đã được thực hiện rất chuyên nghiệp, hiệu quả.
Theo tôi, đây là mô hình thích hợp để mở rộng các hoạt động của Quốc hội cũng như các cơ quan khác trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại. Điều này đảm bảo tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả, đảm bảo cho Quốc hội có thể họp bất cứ lúc nào, bất cứ bối cảnh nào, trong những trường hợp cần thiết Quốc hội phải đưa ra những quyết sách về những vấn đề hệ trọng của đất nước. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, việc lựa chọn phương thức tổ chức kỳ họp sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
- Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Văn phòng Quốc hội đã có sự chuẩn bị như thế nào để bắt kịp với yêu cầu chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội?
Ông Bùi Văn Cường: “Kỷ nguyên 4.0” đã cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ cao lan rộng khắp thế giới, tác động vào các ngành nghề cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền, trong đó có Quốc hội. Để bắt kịp với yêu cầu chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, từ năm 2019, Văn phòng Quốc hội đã áp dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp, mở ra một giai đoạn hoàn toàn mới cho hoạt động của Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 7, nhiệm kỳ XIV, Văn phòng Quốc hội thí điểm tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa. Nhờ công nghệ giúp sức, chủ tọa phiên họp đã điều hành chính xác hơn. Nhằm tận dụng tối đa sự ưu việt của công nghệ cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đại biểu, mỗi đại biểu được cung cấp thiết bị điện tử có cài đặt các phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể tham khảo tài liệu của kỳ họp, thậm chí có thể chuyển từ giọng nói thành văn bản, thuận tiện hơn trong việc tra cứu luật, tìm kiếm thông tin...
Đến năm 2020, để thích ứng với tình hình mới do dịch COVID-19 gây ra, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan thiết lập và thường xuyên tổ chức nhiều lần kiểm tra kỹ thuật Hệ thống Hội nghị truyền hình tại Nhà Quốc hội và 62 Đoàn đại biểu Quốc hội để phục vụ họp trực tuyến.
Từ Nhà Quốc hội, tín hiệu được kết nối đến Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội tiến hành họp trực tuyến và Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những Nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức này, vừa thể hiện sự nhanh nhạy thích ứng trước đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, vừa đặt nền móng cho những đổi mới trong hoạt động Quốc hội giữa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nối tiếp thành quả Kỳ họp thứ 9 đồng thời thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử trong thời gian tới. Có thể thấy, trong giai đoạn Việt Nam đang tiến tới Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc áp dụng công nghệ thông tin mà khởi đầu bằng họp trực tuyến vào kỳ họp Quốc hội là cần thiết và hiệu quả.
Ngoài ra, để bắt kịp với yêu cầu chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tích cực đẩy nhanh việc xây dựng Quốc hội điện tử. Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đồng bộ xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao; tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về Quốc hội, mở rộng hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đối với các hoạt động của Quốc hội.
Có thể khẳng định rằng, áp dụng công nghệ cao vào công việc trên nghị trường cũng góp phần tạo ra nhiều thời cơ và vận hội mới, tạo đà cho đất nước phát triển những năm tiếp theo. Các đại biểu, cử tri kỳ vọng công nghệ sẽ giúp đổi mới khâu tổ chức các kỳ họp Quốc hội, hỗ trợ Chính phủ, Tư lệnh ngành kết nối với cử tri để đẩy nhanh quá trình tạo cơ chế, giải pháp, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để Quốc hội hoàn thành vai trò, thể hiện trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi của nhân dân.
- Trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!.
Theo QUỲNH HOA (TTXVN)