Chuẩn bị Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

30/05/2023 - 08:15

 - UBND tỉnh vừa thông qua kế hoạch, chương trình, kịch bản tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2023; kỷ niệm 323 năm Ngày mất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1700 - 2023), 194 năm Ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 - 2023).

Lễ phục hiện rước Bà Chúa Xứ núi Sam

Đặc sắc lễ hội truyền thống

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra vào tháng 4 (âm lịch) hàng năm, với phần lễ phục hiện rước tượng Bà (ngày 22/4 âm lịch, rước tượng Bà từ bệ đá Bà ngự trên đỉnh núi Sam và kết thúc tại sân khấu miếu Bà), lễ tắm Bà (24 giờ, ngày 23/4 âm lịch); lễ thỉnh sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ lăng mộ về miếu Bà (ngày 25/4 âm lịch); lễ túc yết, xây chầu (24 giờ, ngày 25/4 âm lịch), lễ chánh tế (ngày 27/4 âm lịch); lễ hồi sắc, đưa sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ miếu Bà về lăng mộ (ngày 27/4 âm lịch). Lễ hội mang đặc trưng giá trị về du lịch (DL) tâm linh. Đó là giá trị văn hóa, tinh thần về tín ngưỡng thờ mẫu Nam Bộ, giao lưu văn hóa của cộng đồng các dân tộc…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc  (tỉnh An Giang) Trần Quốc Tuấn, năm nay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 2 đến 14/6 (nhằm ngày 15 đến 27/4 âm lịch), chủ đề “Đất thiêng vạn lộc”, chương trình khai hội bắt đầu lúc 19 giờ 30 phút, ngày 8/6 (nhằm ngày 21/4 âm lịch), tại Trung tâm thương mại Vĩnh Đông (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc), được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang. Từ ngày 9 đến ngày 14/6 (nhằm ngày 22 đến 27/4 âm lịch), diễn ra các nghi lễ truyền thống, như: Lễ phục hiện, lễ tắm Bà, lễ thỉnh sắc thần, lễ túc yết - xây chầu, lễ chánh tế, lễ hồi sắc.

“Các hoạt động lễ hội nhằm bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Đồng thời, hướng đến mục tiêu vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho nhân dân, du khách; quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của địa phương để kích cầu DL, thu hút du khách” - ông Trần Quốc Tuấn cho biết.

Chuẩn bị tốt mọi mặt

Các hoạt động kỷ niệm 323 năm Ngày mất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh diễn ra ngày 29/6 (nhằm ngày 12/5 âm lịch); hoạt động kỷ niệm 194 năm Ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu diễn ra từ ngày 22 đến 23/7 (nhằm ngày 5 và 6/6 âm lịch). Các hoạt động phần hội được tổ chức từ ngày 27/6 đến 23/7 (nhằm ngày 10/5 đến 6/6 âm lịch), với 10 hoạt động văn hóa - văn nghệ, trò chơi dân gian, hội thi, nói chuyện chuyên đề… Hoạt động kỷ niệm 10 năm thành lập TP. Châu Đốc (19/7/2013 - 19/7/2023) dự kiến tổ chức lúc 9 giờ, ngày 19/7.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cơ bản thống nhất với các nội dung hoạt động do UBND TP. Châu Đốc đề xuất. “Địa phương cần phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sở, ngành liên quan đảm bảo công tác tổ chức đúng quy định, an toàn. Xây dựng môi trường văn hóa lễ hội an toàn, an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra lễ hội, không thu phí tham quan” - ông Trần Anh Thư lưu ý. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TP. Châu Đốc xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông (có phương án phân luồng giao thông hợp lý, hạn chế tối đa phương tiện di chuyển trong khu vực tổ chức lễ hội); bố trí bãi đậu xe, khu nhà vệ sinh phù hợp, có phương tiện vận chuyển khách công cộng văn minh lịch sự, chu đáo, biển chỉ dẫn du khách rõ ràng, niêm yết công khai giá dịch vụ khách sạn, ăn uống… Kiểm tra, kiểm soát và đảm bảo tốt phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, chăm sóc y tế; xây dựng quy chuẩn về các loại mắm, cũng như xuất xứ sản phẩm, hàng hóa đặc sản địa phương.

Ngoài ra, tăng cường truyền thông trước, trong và sau lễ hội về hình ảnh DL An Giang nói chung, TP. Châu Đốc nói riêng; tuyên truyền nâng cao ý thức của du khách tham gia lễ hội (về trang phục, ý thức phòng, chống tội phạm; thủ đoạn lừa gạt, mê tín dị đoan…); công khai đường dây nóng để hỗ trợ, tiếp nhận phản ánh du khách.

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích