Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, bà Danh Thị Sẻn (sinh năm 1965, ngụ tổ 1, ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) cho biết: vào năm 1983, ông Lâm Sang (anh chồng bà, định cư ở Hoa Kỳ) để lại ngôi nhà nhỏ, cùng đất rẫy ở ấp Tân Hiệp A không có ai quản lý, sử dụng. Thấy vậy, vợ chồng bà đến phần đất này ở, đồng thời khai hoang đất, đầu tư trồng hoa màu, cây ăn trái. Năm 2003, sau gần 20 năm sử dụng, quản lý, không một ai phản ứng, cũng không ai đứng ra tranh chấp. Sau đó, vợ chồng bà đăng ký quyền sử dụng đất, được UBND huyện Thoại Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) diện tích 6.805,4m2. Cuối năm 2011, khi chồng bà qua đời, số đất này được chia cho 2 con (Sơn Ánh Sáng, Sơn Mộng Kiều) quản lý, sử dụng. Sau ngày này, không ai tranh chấp, phản ứng, kể cả những người định cư ở nước ngoài.
Đến năm 2014, em chồng bà (ông Sơn Minh Thanh, bà Sơn Ánh Tuyết, nhà đối diện) nói đất trên là của mẹ chồng bà (bà Lâm Sen, định cư ở Hoa Kỳ), vừa ủy quyền cho 2 người đòi lại đất. Sau đó, cả 2 khởi kiện đòi lại số đất trước đây đã cấp cho Sơn Ánh Sáng, Sơn Mộng Kiều. Ngày 30-5-2016, TAND tỉnh An Giang đưa vụ việc ra xem xét, giải quyết. Kết quả, Tòa tuyên hủy GCNQSDĐ số CH 01514 ngày 23-11-2012, diện tích 6.805,4m2 do UBND huyện Thoại Sơn cấp cho Sơn Ánh Sáng, Sơn Mộng Kiều; đồng thời buộc gia đình bà hoàn trả giá trị sử dụng đất đến 158 triệu đồng.
Đương sự Danh Thị Sẻn trình bày sự việc
“Thấy quá bất công, tôi kháng cáo toàn bộ bản án, kêu cứu đến nhiều nơi. Ngày 15-6-2017, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh chấp nhận yêu cầu của tôi. Kết quả, hủy Bản án số 15/2016/DSST, ngày 30-5-2016, giao toàn bộ hồ sơ về TAND tỉnh An Giang xem xét lại theo thủ tục chung. Vụ việc này đến nay vẫn chưa ngã ngũ, do có nhiều sự trái chiều, bất cập. Tuy nhiên, dù sự việc trên chưa xong, 2 em chồng tôi lại tiếp tục khởi kiện đến TAND tỉnh Kiên Giang, đòi quyền sử dụng đất đối với 21.296m2 đất, trong đó có 2.000m2 đất vợ chồng tôi mua đã lâu. Số đất này là của mẹ chồng tôi (bà Lâm Sen) cho con trai Sơn Ánh Ngọc (chồng tôi) một cách hợp pháp, có nhiều người ký tên thừa nhận. Sau ngày chồng tôi chết, tôi thừa kế số đất này, được UBND huyện Hòn Đất cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang ngày 24-5 và 10-5-2019, Tòa án chấp nhận cho tôi giữ 21.296m2 đất, nhưng buộc tôi trả giá trị sử dụng đất gần 500 triệu đồng. Gia đình tôi kêu oan, tiếp tục đòi lại sự công bằng” – bà Danh Thị Sẻn bày tỏ.
Liên quan đến vụ việc trên, UBND thị trấn Óc Eo thông tin: “Tranh chấp QSDĐ diện tích 6.805,4m2 giữa Sơn Ánh Sáng, Sơn Mộng Kiều với ông Sơn Minh Thanh, bà Sơn Ánh Tuyết là tranh chấp trong tộc họ với nhau, đã được địa phương hòa giải nhiều lần, nhưng không thành. Đến ngày 13-3-2014, UBND thị trấn đã chuyển vụ việc đến cơ quan tòa án xem xét, giải quyết theo quy định. Được biết, tranh chấp này đã được Tòa xem xét giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Đối với phần đất người chồng chết bà Danh Thị Sẻn thừa kế, dù vị trí không xa nơi đang ở, nhưng thuộc ấp Hiệp Hòa, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Được biết, số đất này bà Sẻn cũng đã bị em chồng làm đơn khởi kiện đến Tòa án. Do kết quả giải quyết bất lợi nên bà Sẻn đang kháng cáo vụ việc”.
Luật sư Trần Văn Sáu (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết: “Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành, đối tượng tranh chấp là bất động sản thì TAND nơi có bất động sản có thẩm quyền xem xét giải quyết. Vụ việc của bà Danh Thị Sẻn đã được TAND tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm, đang được TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị xét xử phúc thẩm và bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho TAND xét xử sơ thẩm, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan Thi hành án Dân sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Trường hợp TAND Cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể dài hơn, nhưng không quá 25 ngày. Về nguyên tắc, bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực thi hành ngay, đương sự không có quyền kháng cáo. Tuy nhiên, bản án này có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu có những căn cứ theo luật định”.
Bài, ảnh: N.R