Tại điểm giao dịch nhà mạng Vinaphone tại 75 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội), lượng người đến điểm giao dịch tăng so hơn với thời điểm trước ngày 15/3, trong đó phần lớn là người có tuổi đến để chuẩn hóa thông tin.
Ông Nguyễn Văn Viên (Chương Dương, Hà Nội) cho biết: "Chứng minh thư cũ của tôi có 2 tên, nhưng căn cước công dân (CCCD) gắn chip chỉ có 1 tên. Tôi nhận được tin nhắn của nhà mạng yêu cầu đến chuẩn hóa. Tôi không biết dùng app nên qua điểm giao dịch để thực hiện".
Còn bà Lê Thị Mai nhà ở phố Huế (Hà Nội) cho biết: Số điện thoại đang dùng là từ con trai chuyển lại, dù chuẩn hóa qua app nhưng vẫn hiển thị tên một người khác, nên bà phải ra điểm giao dịch thực hiện lại.
Theo thông báo từ các nhà mạng, người dân khi nhận được tin nhắn của nhà mạng yêu cầu chuẩn hóa thông tin, có thể tự thao tác qua app. Tuy nhiên, anh Nguyễn Phi Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Do tên kiểm tra bị lệch, nên tôi đã thử vào app để chuẩn hóa, nhưng hai ngày nay làm mà app luôn trong tình trạng quay vòng vòng. Gọi điện qua tổng đài cũng không được hỗ trợ cụ thể. Do đó, tôi định ra điểm giao dịch để xử lý".
Nhân viên giao dịch hướng dẫn khách hàng khai thông tin chuẩn hóa thuê bao.
Theo nhân viên tại một số điểm giao dịch của Viettel, MobiFone trên đường Võ Chí Công, Lạc Long Quân (Hà Nội), số lượng người đến giao dịch tăng hơn so với trước, nhất là khoảng từ 9 giờ đến 16 giờ. Nhiều người dùng dù không nhận được tin nhắn từ nhà mạng, nhưng khi kiểm tra qua tin nhắn thấy hiện thông tin số chứng minh thư cũ, thì vẫn ra chuẩn hóa thông tin cho yên tâm.
Lượng khách hàng đến chuẩn hóa thông tin tăng trong 6 ngày gần đây.
Trước thông tin về chuẩn hóa thông tin thuê bao, đã xảy ra tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã gọi điện đến thuê bao yêu cầu cung cấp thông tin căn cước công dân, số tài khoản để lừa đảo. Chị Diệu Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Ngày 21/3, tôi có nhận được cuộc gọi thông báo số di động chưa được chuẩn hóa, yêu cầu cung cấp số căn cước công dân để kiểm tra, sau đó thông báo có một số điện thoại khác cũng đứng tên chuyên gọi điện thoại để lừa đảo và đang bị công an theo dõi. Sau khi nghe như vậy tôi liền cúp máy và kiểm tra qua số tổng đài”.
Hiện các nhà mạng cũng phát đi cảnh báo, không có việc nhà mạng gọi điện yêu cầu người dân đi chuẩn hóa thông tin. Chỉ có các thuê bao chưa có thông tin chuẩn hóa so với dữ liệu quốc gia về dân cư mới nhận được tin nhắn thông báo. Theo thống kê của 3 nhà mạng lớn là Vinaphone, MobiFone, Viettel, có gần 4 triệu thuê bao thông tin chưa được chuẩn hóa.
Trước đó, ngày 14/3, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có công văn đề nghị đề nghị các doanh nghiệp viễn thông bố trí nhân lực, kỹ thuật để chuẩn hóa thông tin thuê bao. Theo Cục Viễn thông, ngày 31/3 là thời hạn phải hoàn thành việc chuẩn hóa thông tin thuê bao. Sau ngày 15/3, các nhà mạng sẽ nhắn tin cho những thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với CSDLQG về dân cư. Sau 5 ngày nhắn tin liên tiếp, nếu 15 ngày sau thuê bao vẫn chưa đúng thông tin sẽ bị dừng hoạt động 1 chiều. Sau 60 ngày, nếu thuê bao không có thông tin chuẩn xác sẽ bị cắt dịch vụ.
Theo Báo Tin Tức